Thực dưỡng Ohsawa khiến bệnh nhân ung thư héo mòn, chỉ còn "da bọc xương"

Dương Hải (ghi) |

Để có sức khỏe chống chọi với bệnh tật, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không áp dụng các phương pháp sai lầm mà hãy ăn đủ dinh dưỡng. Bởi lẽ các vitamin, khoáng chất… mà thực phẩm cung cấp sẽ tham gia vào cơ thể. Chỉ cần thiếu một trong số chất đó, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

Thời gian gần đây, nhiều người lan truyền cho nhau phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương. Bên cạnh đó, lại có quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được.

Về vấn đề này, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định: Thực dưỡng Ohsawa là hết sức sai lầm.

Theo GS. Hương, thực dưỡng Ohsawa được người bệnh ung thư bàn tán rất nhiều. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp này tới gần 10 năm nay, khiến họ chỉ còn da bọc xương.

Thêm vào đó, chế độ ăn thiếu hụt quá nhiều chất dinh dưỡng này đã khiến bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

Thực dưỡng Ohsawa khiến bệnh nhân ung thư héo mòn, chỉ còn da bọc xương - Ảnh 1.

GS.TS. Lê Thị Hương.

"Tôi khẳng định thực dưỡng Ohsawa là hết sức sai lầm. Cũng có người tranh luận rằng tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết họ phải ăn nhiều cơm lên, ăn với rau, muối vừng… Rồi các nhà sư phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng môi lưỡi, thiếu vitamin…

Vì vậy, với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng nào cả mà vẫn phải ăn như người bình thường. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư"- GS. Hương nhấn mạnh.

Bệnh nhân ung thư nên ăn gì?

GS. Hương tư vấn, giải pháp tốt nhất cho người bệnh là ăn cân đối dinh dưỡng, bổ sung tinh bột từ các loại hạt nguyên sẽ tốt hơn là hạt tinh chế. Đối với người bệnh ung thư, các bác sĩ không khuyên người bệnh bỏ ăn thịt đỏ hoàn toàn nhưng bệnh nhân chỉ được ăn với số lượng ít. Người dân cần phân biệt rõ, thịt đỏ là thịt của con 4 chân, không phải là thịt có màu đỏ.

Vì vậy, thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp người bệnh thèm ăn thì vẫn có thể ăn thịt đỏ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người dân nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sát… Hạn chế các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng vì chúng rất mặn, không tốt cho cơ thể.

Tại các bệnh viện, chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân được các y bác sĩ xây dựng rất cẩn thận, đủ chất, ăn đa dạng các thực phẩm gồm thịt cá trứng sữa, không loại bỏ thức ăn nào, tăng cường rau và quả để cung cấp vitamin và sức đề kháng cho cơ thể.

Thực dưỡng Ohsawa khiến bệnh nhân ung thư héo mòn, chỉ còn da bọc xương - Ảnh 2.

Chế độ ăn uống cân đối là điều tuyệt vời nhất cho cơ thể. Ảnh minh họa.

Hiện nay, có những quan niệm cho rằng khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ sẽ làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, theo PGS. TS Dương Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh, BV Y học cổ truyền Trung ương, người bệnh ung thư nghĩ rằng nếu không ăn thì tế bào ung thư cũng không ăn.

Đây là quan niệm sai lầm. Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể (thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác), khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng.

Vì thế những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư đồng thời tăng cường tập thể dục chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Mặt khác, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất.

PGS. Nghĩa cho biết thêm, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết đối với cơ thể. Chúng ta không thể ăn chế độ thiếu dinh dưỡng không đảm bảo cho hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch cần những chất nhất định để hoạt động một cách tốt nhất.

Bệnh nhân ung thư cần có một chế độ ăn thiết yếu. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần thêm một số chất đặc biệt trong chế độ dinh dưỡng. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những thực phẩm làm ung thư phát triển. Không ăn những thức ăn bảo quản lâu trong tủ lạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Vũ Hồng Thăng - Phó Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa điều trị nội - Bệnh viện K cho biết, quan điểm của phương Tây là cân đối dinh dưỡng, hạn chế những nguyên nhân gây ra ung thư, tránh béo phì, tăng cường tập thể dục. Chế độ ăn uống cân đối là điều tuyệt vời nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại