Đức tính toán lại quan hệ với Trung Quốc
Trong một bài phát biểu sau cuộc gặp trực tuyến giữa EU và lãnh đạo Trung Quốc hôm 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dành 6 phút để thảo luận về việc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
"Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn nhiều về kinh tế và điều đó tức là yêu cầu về việc "có đi có lại" trong một sân chơi bình đẳng ngày nay tất nhiên cần được điều chỉnh", bà Merkel khẳng định, đồng thời hối thúc Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thúc đẩy hiệp định đầu tư song phương EU - Trung Quốc vốn đình trệ từ lâu.
Thủ tướng Đức sau đó chỉ dành khoảng 10 giây để nói về vấn đề Hong Kong và Tân Cương ở Trung Quốc.
2 tuần sau khi Đức công bố chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một số nhà quan sát nhận định Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc nhấn mạnh đến một hướng tiếp cận mới ngày càng quyết đoán hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tương tự như hội nghị hôm 14/9 này, chiến lược khu vực của Đức chỉ xoay quanh các chính sách thương mại chứ không cân nhắc lại toàn bộ quan hệ chiến lược chính thức với Trung Quốc.
4 năm qua đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng về sự tham gia của các nước tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với các quốc gia khác, Đức cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng đây là quốc gia duy nhất thực hiện việc này mà không khẳng định tư cách thành viên khu vực của mình.
Để làm rõ hơn điều này, trước đó, Pháp đã mở đầu tài liệu chính sách năm 2019 bằng tuyên bố: "Là một quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp có một lãnh thổ rộng lớn trong khu vực, nơi bao gồm 93% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp và là nơi sinh sống của 1,5 triệu công dân Pháp".
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức dài gần 70 trang, tập trung vào 7 ưu tiên. Đức nhấn mạnh đến chủ nghĩa đa phương và hối thúc NATO mở rộng mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiến lược trên của Berlin cũng kêu gọi nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do với các nước như Australia và Indonesia, đồng thời cam kết mở rộng các sáng kiến cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực.
Một nhà quan sát đã chỉ ra rằng, với vai trò là chủ tịch luân phiên EU, chính sách trên của Đức có thể là dấu hiệu cho thấy Berlin muốn xây dựng một hướng tiếp cận thống nhất của châu Âu với Trung Quốc.
Cú “xoay trục” dè dặt?
Tuy nhiên, trên thực tế, dường như chiến lược mới của Đức vẫn chưa giải quyết được những vấn đề hóc búa liên quan đến quyền lực của Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược này chỉ bày tỏ hy vọng vào việc Bộ quy tắc Ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN có thể giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời chỉ trích "các nhân tố và quốc gia" lan truyền thông tin sai lệch song không chỉ đích danh đó là nước nào.
Trên thực tế, thương mại là một nhân tố ngăn cản Đức thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác thương mại toàn diện lớn nhất của Berlin từ năm 2016 trong khi Đức chiếm hơn một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc. Nhiều công ty của Đức phụ thuộc lớn vào mối quan hệ này, cụ thể là gần 1/2 doanh thu của Volkswagen là từ Trung Quốc, trong khi tập đoàn hóa chất BASF đã triển khai một khoản đầu tư 10 tỷ euro vào Trung Quốc năm 2019.
So với chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến lược của Đức dường như ít quyết đoán hơn. Trong khi chính quyền Tổng thống Trump đặt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào vị trí thứ yếu so với chính sách đối đầu địa chính trị bao quát hơn giữa hai nước, Đức vẫn giữ thái độ thận trọng để không hủy hoại quá trình đàm phán về một hiệp định đầu tư với Trung Quốc mà nước này mong muốn từ lâu.
Dù vậy, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Đức vẫn cho thấy sự dịch chuyển quan trọng về lập trường của nước này. Để hiểu về chiến lược khu vực của Đức trong bối cảnh cụ thể, chúng ta có thể so sánh với một nền kinh tế phát triển khác cũng phụ thuộc chủ yếu vào thương mại như Đức, đó là Hàn Quốc.
Chính sách phương Nam mới (NSP) của Hàn Quốc đã đặt việc mở rộng quan hệ với ASEAN và Ấn Độ là trung tâm chính sách đối ngoại. Kể từ khi NSP được công bố vào năm 2016, thương mại giữa Hàn Quốc và Ấn Độ đã tăng thêm 30%, trong khi xuất khẩu sang ASEAN chiếm 20% toàn bộ lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.
Để cho thấy Seoul đánh giá cao tầm quan trọng của Đông Nam Á, Tổng thống Moon Jae In đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN. Mặc dù Chính sách phương Nam mới không có nghĩa là "cứng rắn với Trung Quốc" nhưng Hàn Quốc đã kết hợp nỗ lực hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc với các sáng kiến của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Qua một số biên bản ghi nhớ, chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí hợp tác trong những dự án khu vực ở những lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối số và năng lượng xanh. Dù 2 đồng minh này vẫn còn nhiều khác biệt trong chính sách với Trung Quốc nhưng họ vẫn có thể là đối tác của nhau trong những sáng kiến cân bằng quyền lực nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Đức hiện cũng đặt những mối quan hệ mới là trung tâm chính sách khu vực của mình. Từ Ấn Độ và ASEAN đã được đề cập đến lần lượt 57 và 66 lần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Berlin. Từng thành viên của ASEAN cũng được đề cập đến, trong đó Việt Nam được nhắc đến 21 lần.
Hơn nữa, so với Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, chiến lược của Đức cũng mạnh mẽ hơn. Chiến lược của Hàn Quốc trong khu vực bỏ qua toàn bộ những vấn đề an ninh truyền thống, mà thay vào đó chỉ tập trung vào những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và y tế công cộng. Trong khi đó, chiến lược của Đức bên cạnh đánh giá về vấn đề biến đổi khí hậu dã dành toàn bộ một phần để nói về NATO, EU và quan hệ đối tác quân sự song phương trong khu vực.
Mặc dù không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc về những căng thẳng trên Biển Đông nhưng Đức đang tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự và phi quân sự của châu Âu, làm sâu sắc các mối quan hệ khu vực khác nhằm giúp xây dựng nền tảng về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do hơn.
Là “người chơi” chứ không phải “sân chơi”
Mặc dù so sánh với Hàn Quốc, chiến lược của Đức dường như cứng rắn và gần với chiến lược của Mỹ hơn nhưng chiến lược này cũng cho thấy những khác biệt giữa 2 bên. Sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào Trung Quốc sâu sắc hơn nhiều so với sự phụ thuộc của Đức, không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến vai trò của Bắc Kinh trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chiến lược khu vực của Đức giống với Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, điều đó đã cho thấy cả hai bên có thể dần thúc đẩy quan hệ khu vực, cũng như thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn của Berlin với Bắc Kinh. Sự thay đổi chính sách của Đức có lẽ là một bước quan trọng trong cách EU "nghĩ lại" về Trung Quốc, cho dù điều này vẫn diễn ra một cách vô cùng thận trọng.
Nhìn chung, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng trên một loạt lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nhận định sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc rằng: "EU cần trở thành một người chơi chứ không phải một sân chơi. Cuộc gặp ngày hôm nay đại diện cho một bước tiến mới nhằm thúc đẩy một mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc”.
Đức cũng như vậy, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy Berlin muốn trở thành một “người chơi”, một nhân tố chủ động có tiếng nói trong các vấn đề ở khu vực này chứ không phải là một “sân chơi” để Mỹ - Trung lôi kéo chọn phe hay tranh giành ảnh hưởng./.