Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần hai, nhà nước phong kiến sụp đổ

B.T sưu tầm, SGK Sử 8 |

Năm 1882, thực dân Pháp lần thứ 2 nổ súng đánh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhân dân lần 2 kháng chiến chống Pháp, tướng giặc Ri-vi-e chịu kết cục tương tự Gác-ni-ê 10 năm trước.

Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882)

Hiệp ước Giáp Tuất (1874) đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng cả nước.

Khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ - Tĩnh đã nêu khẩu hiệu chống thực dân Pháp và phản đối sư đầu hàng của triều đình:

"Dập dìu trống đánh cờ xiêu,

Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây".

Nền kinh tế đất nước ngày càng kiệt quệ. Nhân dân đói khổ. Giặc cướp nổi lên ở khắp nơi, có lúc triều đình đã phải cầu cứu cả quân Pháp và quân Thanh đánh dẹp. Các đề nghị cải cách, duy tân đều bị khước từ. Tình hình rối loạn cực độ.

Trong khi đó, tư bản Pháp đang phát triển mạnh, rất cần nguồn tài nguyên khoáng sản ở Bắc Kì nên chúng quyết tâm xâm chiếm bằng được.

Lấy cớ triều đình Huế vi phạm Hiệp ước 1874, tiếp tục giao thiệp với nhà Thanh mà không hỏi ý kiến của Pháp, ngày 3 - 4 - 1882 quân Pháp, do viên đại tá Ri-vi-e chỉ huy, đã đổ bộ lên Hà Nội.

Ngày 25 - 4 - 1882, Ri-vi-e gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, đòi nộp khí giới và giao thành không điều kiện.

Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần hai, nhà nước phong kiến sụp đổ - Ảnh 1.

Tổng đốc Hoàng Diệu

Không đợi trả lời, quân Pháp nổ súng tấn công. Quân ta anh dũng chống trả, nhưng chỉ cầm cự được gần một buổi sáng. Đến trưa, thành mất. Hoàng Diệu thắt cổ tự tử để bảo toàn khí tiết.

Triều đình Huế vội vàng cầu cứu quân Thanh và cử người ra Hà Nội thương thuyết với Pháp; đồng thời ra lệnh cho quân ta phải rút lên mạn ngược. Thừa dịp, quân Thanh ồ ạt kéo sang nước ta, đóng ở nhiều nơi. Trong khi đó, quân Pháp nhanh chóng toả đi chiếm Hòn Gai, Nam Định và các tỉnh khác thuộc đồng bằng Bắc Kì.

Nhân dân Bắc Kì tiếp tục kháng Pháp

Khi quân Pháp tiến đánh Bắc Kì lần thứ hai, nhân dân đã tích cực phối hợp với quan quân triều đình kháng chiến. Ở Hà Nội, khi quân Pháp nổ súng đánh thành, nhân dân tự tay đốt nhà, tạo thành bức tường lửa chặn giặc. Hàng nghìn người dân tụ tập thành đội ngũ, gươm giáo chỉnh tề tại đình Quảng Văn (Cửa Nam) chuẩn bị kéo vào thành đánh giặc, nhưng chưa kịp đi thì thành đã mất. Cuộc chiến đấu trong lòng địch diễn ra sau đó vô cùng quả cảm.

Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần hai, nhà nước phong kiến sụp đổ - Ảnh 2.

Quân Pháp tấn công thành Hà Nội

Nhân dân Hà Nội không bán lương thực cho Pháp, phối hợp với đồng bào các vùng xung quanh, đào hào, đắp luỹ, lập ra các đội dân dũng, bất chấp lệnh giải tán của triều đình.

Tại các địa phương, nhân dân tích cực đắp đập, cắm kè trên sông, làm hầm chông, cạm bẫy v.v... chống Pháp.

Khi Ri-vi-e đánh Nam Định, quân dân ta từ Sơn Tây và Bắc Ninh kéo về áp sát thành Hà Nội uy hiếp địch. Ri-vi-e hoảng sợ, phi trở về Hà Nội đối phó.

Ngày 19-5-1883, hơn 500 tên địch kéo ra Cầu Giấy đã lọt vào trận địa mai phục của ta. Quân Cờ Đen lại phối hợp với quân của Hoàng Tá Viêm đổ ra đánh. Nhiều sĩ quan và lính Pháp bị giết, trong đó có Ri-vi-e.

Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai càng làm cho quân Pháp thêm hoang mang, dao động. Chúng đã toan bỏ chạy nhưng triều đình Huế lại chủ trương thương lượng với Pháp, hi vọng địch sẽ rút quân (như năm 1873). 

Song tình hình lúc này đã khác trước. Sau khi có thêm viện binh, cuối tháng 7 - 1883 nhân cơ hội vua Tự Đức mới qua đời, nội bộ triều đình đang lục đục, chủ nghĩa tư bản Pháp trên đà phát triển, thực dân Pháp quyết định đem quân tấn công thẳng vào Thuận An, cửa ngõ kinh thành Huế.

Hiệp ước Pa-tơ-nốt. Nhà nước phong kiến Việt Nam sụp đổ (1884)

Từ chiều 18 - 8 - 1883, hạm đội Pháp bắt đầu bắn phá dữ đội các pháo đài ở cửa Thuận An. Đến ngày 20 - 8, chúng đổ bộ lên khu vực này. Triều đình hoảng hốt xin đình chiến. Cao uỷ Pháp là Hác-măng lên ngay Huế và đưa ra một bản hiệp ước thảo sẵn, buộc triều đình chấp nhận vào ngày 20 - 8 - 1883 (Hiệp ước Quý Mùi).

Nội dung bản hiệp ước (còn gọi là Hiệp ước Hác-măng) có những khoản chính như sau:

Triều đình Huế chính thức thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kì và Trung Kì, cắt tỉnh Bình Thuận ra khỏi Trung Kì để nhập vào đất Nam Kì thuộc Pháp. Ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh được sáp nhập vào Bắc Kì. 

Triều đình chỉ được cai quản vùng đất Trung Kì, nhưng mọi việc đều phải thông qua viên Khâm sứ Pháp ở Huế. Công sứ Pháp ở các tỉnh Bắc Kì thường xuyên kiểm soát những công việc của quan lại triều đình, nắm các quyền trị an và nội vụ. Mọi việc giao thiêp với nước ngoài (kể cả với Trung Quốc) đều do Pháp nắm. Triều đình Huế phải rút quân đội ở Bắc Kì về Trung Kì.

Thực dân Pháp đánh Bắc Kì lần hai, nhà nước phong kiến sụp đổ - Ảnh 3.

Lễ ký kết Hiệp ước Quý Mùi tại Thuận An – Huế năm 1883

Việc triều đình kí Hiệp ước 1883 càng đẩy mạnh phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

Nhiều sĩ phu văn thân là quan lại triều đình ở các địa phương, như Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Hoàng Văn Hoè, Lã Xuân Oai, Nguyễn Quang Bích... đã phản đối lệnh bãi binh. Đây chính là cơ sở để phái kháng chiến trong triều đình Huế, do Tôn Thất Thuyết cầm đầu, mạnh tay hành động.

Do chiến sự tiếp tục kéo dài ở Bắc Kì, thực dân Pháp buộc phải tổ chức những cuộc tấn công nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng còn sót lại. Từ cuối năm 1883 đến giữa năm 1885, chúng cho quân chiếm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Tuyên Quang... Quân Thanh đóng giữ các vị trí này chỉ chống cự lấy lệ, rồi rút. Cuối cùng, Pháp - Thanh đã đi đến thoả thuận với nhau bằng Quy ước Thiên Tân (11 - 5 - 1884), theo đó, nhà Thanh cam kết rút hết quân đội khỏi Bắc Kì.

Sau khi làm chủ tình thế, chính phủ Pháp lại bắt triều đình Huế kí bản hiệp ước mới vào ngày 6 - 6 - 1884 (Hiệp ước Pa-tơ-nốt), có nội dung cơ bản giống với Hiệp ước Hác-măng, chỉ sửa đổi đôi chút về ranh giới khu vực Trung Kì nhằm xoa dịu dư luận và lấy lòng vua quan phong kiến bù nhìn.

Hiệp ước Pa-tơ-nốt đã chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, kéo dài đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 8, tr. 121-122-123-124.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại