Những loài chim chuyên săn, lượn
Tham gia buổi offline của CLB “Falconry BMT” (chơi, nuôi dưỡng và huấn luyện chim săn mồi) tại một quán cà phê sân vườn ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi có dịp chứng kiến những màn sải cánh chao lượn trên không trông rất oai vệ, dũng mãnh của các loài chim săn mồi.
Anh Nguyễn Đình Minh (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết: Chim săn mồi gồm các dòng đại bàng, chim ưng, chim cắt, chim ó, diều hâu, diều lửa… phân thành hai dòng: lượn và săn.
Chúng được xem là “sát thủ” trên không của nhiều loại động vật khác khi được tạo hóa ban cho đôi mắt sáng, bộ móng vuốt, chiếc mỏ sắc như dao nhọn. Trong đó, đại bàng thuộc dòng săn dũng mãnh nhất, được xem như “chúa tể bầu trời”.
Nói rồi anh Minh vung tay mạnh cho chú đại bàng bay cao, cách xa vị trí đứng hàng trăm mét. Sau đó, anh đặt miếng thịt tươi trên tay rồi thổi còi, nhanh như tia chớp, chim lao xuống đớp mồi.
Đại bàng ưng này thuộc dạng “khủng” nhất trong “Falconry BMT”, có cân nặng hơn 1,5kg cùng đôi cánh to khỏe sải rộng hơn 1m, vừa được anh Minh mua lại từ một thành viên trong CLB.
Trước đó, anh từng nuôi chơi nhiều dòng chim khác nhau như diều hâu trắng, ưng Ấn… nhưng trước sức hấp dẫn của một loài chim đầy quyền uy, được coi là “vua” của không trung, anh quyết định dốc túi tậu về.
Cũng là loài chim săn mồi, Brahminy kite (chim diều lửa) được ví là loài ác điểu đẹp nhất khi có thân hình cân đối cùng bộ lông tuyệt đẹp. Phần đầu và bụng chim có màu trắng muốt nổi bật giữa đôi cánh và phần lưng màu hung đỏ.
Khi sải cánh bay trên bầu trời, ánh nắng xuyên kẻ từng tấm lông khiến diều lửa càng trở nên đẹp quyến rũ.
Anh Nguyễn Đình Khoa (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), chủ nhân của chú diều lửa cho hay, chim thuộc dòng lượn, khả năng săn mồi không mạnh bạo như dòng chim săn nhưng được cái “hiền” nên anh mua về nuôi, chăm sóc để bầu bạn.
Ở thành phố không gian chật hẹp nên tranh thủ cuối tuần hoặc các buổi offline của CLB, anh đưa chim ra ngoại thành cho chúng tự do bay lượn, duy trì bản năng sinh tồn.
Để chim khỏe mạnh, không bị bệnh, theo anh Khoa người chơi phải thường xuyên quan sát mọi biểu hiện bất thường của chim.
Hễ thấy mắt chim lừ đừ, bỏ ăn… thì phải tìm ra nguyên nhân để chữa trị ngay.
Hiện trên thị trường chưa có thuốc đặc trị dành riêng cho chim săn mồi mà phải dùng thuốc của gia cầm, phải tham khảo nhiều nguồn, canh liều lượng chừng mực nếu không sẽ gây tổn hại đến chim.
Một trong những bệnh chim săn mồi hay mắc phải là bị lở miệng, tiêu chảy do thay đổi thức ăn khác so với tự nhiên.
Huấn luyện kỳ công...
Nhìn chú chim bay lượn, săn mồi theo hiệu lệnh của chủ nhân, ai cũng thích thú. Tất nhiên để thuần phục loài chim có bản tính hung dữ trở nên biết nghe lời, là điều không hề dễ dàng.
Anh Nguyễn Hữu Phước (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) – người có nhiều kinh nghiệm huấn luyện chim chia sẻ: Khi có được chim rồi, người chơi phải sắm thêm găng tay da, dây da để xích chân, chuông đeo chân chim, mũ da bịt mắt, còi, cần đậu, cân điện tử…và mỗi ngày phải chi thêm một khoản tiền vài chục ngàn đồng mua thức ăn sống (chim cút, gà con…) để nuôi, và phục vụ quá trình huấn luyện chim.
Với chim non, việc huấn luyện đơn giản hơn, còn chim bổi (bắt trong tự nhiên) việc thuần phục mất nhiều thời gian, công sức.
Đầu tiên, phải tập làm quen với chúng bằng cách tiếp xúc thường xuyên, vuốt ve tạo sự thân thiện; tiếp đến là ép cân (giảm cân) đến mức lý tưởng. Với chim trống, cân nặng trung bình từ 1,2-1,5kg giảm xuống còn 900-1,1kg; Chim mái nặng từ 1,7-2kg giảm còn 1,3-1,6kg là đẹp.
Dùng thịt điều khiển chim theo chủ ý; tập cho chim bay qua tay ăn mồi theo hiệu lệnh còi, dịch chuyển khoảng cách xa dần với mục đích tập phản xạ, khi chủ nhân giơ găng tay lên thổi còi, chim đang bay tự do trên bầu sẽ lập tức bay về.
Khi đã kiểm soát được chim, mới chuyển sang giai đoạn tập cho chim vồ mồi, dí mồi trên đồng ruộng đến mức thuần thục thì tập thả tự do cho chim săn mồi ngoài tự nhiên.
Với dòng chim lượn, cũng ép cân, tập ăn qua tay sau đó cho chim tăng nhẹ trọng lượng để chúng không quấn chủ và bắt đầu bay lượn.
Thời gian để thuần phục một chú chim tùy thuộc và khả năng của từng người, có người mất 1 năm, với người nhiều kinh nghiệm chỉ cần 4-6 tháng là đủ.
Huỳnh Ngọc Bảo Huy (14 tuổi ở phường Tân Lập) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB “Falconry BMT” nhưng kinh nghiệm, chiến tích huấn luyện nhiều loài chim săn mồi trở thành sát thủ không hề thua kém bậc đàn anh.
Bảo Huy đến với thú chơi Falconry vào năm 2016, trong dịp tình cờ theo chân bố giao lưu với CLB. Nhìn chú đại bàng to cao đứng oai vệ trên tay chủ nhân, Huy tỏ ra thích thú, xin bố gia nhập CLB, bắt đầu thú chơi công phu đầy hấp dẫn.
Được bố tài trợ khoản mua chim, sắm phụ kiện và thức ăn hằng ngày, Huy chuyên tâm học cách thuần phục loài chim uy quyền này. Hằng ngày sau giờ học, Huy lại tìm đến vuốt ve, chơi cùng chim để tạo sự thân thiện.
Sau 2 năm, Huy đã huấn luyện thành công nhiều loài chim khác nhau như đại bàng ưng, diều lửa, diều trắng, ưng Ấn, cắt nhỏ…
Trong đó đại bàng ưng là con khiến Huy tự hào nhất khi trở thành “sát thủ” thực thụ. Mỗi lần đi săn ngoài tự nhiên, chim luôn đem về chiến lợi phẩm là vài chú cò.
Huy tiết lộ bí quyết để huấn luyện chim thành những chiến binh nằm ở chỗ: Chọn nuôi chim non và huấn luyện ngay từ nhỏ, duy trì bài tập nâng cao thể lực hằng ngày sao cho hài hòa với trọng lượng cơ thể thì chim mới bay tự do và đạt được trạng thái săn mồi tốt nhất.
Dù rất yêu quý chú đại bàng ưng, nhưng vì ông bà không chịu nổi tiếng kêu lớn, ồn ào của nó, nên Huy đành để lại cho một dân chơi ở Hà Nội.
Năm 2017, người này mang đi tham dự cuộc thi Huấn luyện chim săn mồi và giành được giải khiến Huy tiếc hùi hụi.
Bảo tồn các loài chim quý
Anh Quách Hoàng Phúc, người lập ra "Falconry Buôn Ma Thuột" cho biết CLB thành lập năm 2016 với 15 thành viên chủ chốt.
Số thành viên hơi khiêm tốn so với các thú chơi khác bởi không thể chơi theo phong trào mà đòi hỏi người chơi cần có niềm đam mê cháy bỏng. Chim săn mồi bản tính hung dữ, nhất là khi bị bỏ đói để huấn luyện, nếu ai không kiên trì sẽ loại khỏi cuộc chơi.
Mục tiêu CLB hướng đến không chỉ là nơi để các thành viên có chung đam mê thuần phục chim săn mồi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mà trên hết là bảo tồn loài chim này.
Trên thực tế, khu vực Tây Nguyên có nhiều loài chim quý thuộc nằm trong sách đỏ nhưng vẫn bị đánh bẫy bán lấy thịt.
Anh từng chứng kiến chim đại bàng đen bị người dân đánh bẫy treo bán ngoài đường. Sau khi mua về chăm sóc cho lành vết thương, anh thả chúng về tự nhiên.
Các thành viên trong CLB cũng nhiều lần rơi vào tình huống "chim bay đi không trở lại". Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ chấp nhận xem như mình không có duyên với chúng.