Thừa nhận về phòng không Ukraine

Kiên Bùi |

Phát ngôn viên phòng không Ukraine, Yury Ignat vừa có thừa nhận về năng lực đánh chặn của lực lượng này khi phải đối đầu với tên lửa Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Kênh 24 của Ukraine hôm 16/3, phát ngôn viên Yury Ignat đã thẳng thắn, phòng không Kiev không chỉ bó tay trước tên lửa siêu thanh Kinzhal mà còn không thể đánh chặn nhiều loại tên lửa khác của Quân đội Nga.

"Chúng tôi không thể đánh chặn được quả tên lửa đạn đạo Iskander-M nào. Thật không may, loạt đạn của Tornado-S, tên lửa chiến thuật Iskander-M, Kh-22... đều có tốc độ bay rất nhanh và hành trình bay phức tạp khiến lực lượng của chúng tôi không thể làm gì chúng", phát ngôn viên Yury Ignat nói.

Ông Yury Ignat cho biết thêm rằng, vũ khí chính của phòng không Ukraine đang là những tổ hợp thế hệ cũ Buk-M1 và S-300 nên năng lực đánh chặn của chúng khá hạn chế. Chính vì vậy, đối phó với tên lửa tốc độ cao là gần như không thể.

Theo New York Times, phòng không Ukraine không chỉ có năng lực yếu kém trong việc đánh chặn tên lửa mà đối với nhiệm vụ ngăn chặn UAV Nga cũng là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng khác xuất hiện là kho tên lửa phòng không của lực lượng này đang dần cạn kiệt.

"Ukraine có thể duy trì nỗ lực phòng không trong bao lâu, khi nhiều biện pháp phòng thủ của họ có chi phí đắt đỏ hơn nhiều so với mục tiêu. Thay vì cố gắng bắn hạ những UAV đang bay đến bằng những khẩu pháo phòng không hoặc vũ khí cầm tay, các đơn vị phòng không Ukraine lại dựa vào những tên lửa có giá thành rất đắt đỏ", báo Mỹ viết.

Tờ New York Times dẫn nhận định từ Giám đốc công ty tư vấn Molfar của Ukraine, ông Artem Starosiek cho rằng chi phí để bắn hạ một chiếc UAV cao gấp 7 lần giá thành của loại khí tài đó. Cùng với đó, dù hiệu quả rất hạn chế khi đánh chặn tên lửa nhưng lực lượng vẫn không ngừng phóng tên lửa đánh chặn.

"Những UAV được Nga sử dụng có giá rơi vào khoảng 20.000 USD/chiếc, trong khi các tên lửa đất đối không trong kho vũ khí của Ukraine có giá thành lần lượt là 140.000 USD/quả tên lửa thuộc hệ thống phòng không S-300 và 500.000 USD đối với một quả đạn thuộc hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ cung cấp", báo Mỹ viết.

Lý do được phía Ukraine đưa ra cho việc phóng đạn phung phí là giá thành của những quả đạn đánh chặn đó dù đắt đỏ nhưng không đáng kể nếu so với hậu quả nếu để tên lửa hoặc UAV tấn Nga tự do tấn công trúng vào những mục tiêu trọng yếu.

Năng lực đánh chặn yếu kém chính là lý do Ukraine đang hối thúc phương Tây chuyển tổ hợp phòng không Patriot cho nước này.

"Chúng tôi đang mong chờ việc triển khai hệ thống Patriot càng sớm càng tốt. Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Volodymyr Zelensky đang tích cực nghiên cứu những giải pháp cho nguồn cung ứng nhiều loại khí tài mới của phương Tây", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói hồi đầu tháng 3.

Hồi cuối năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói hỗ trợ bổ sung trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay chưa có tín hiệu tích cực nào cho thấy, Kiev sẽ nhận được Patriot như Mỹ hứa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại