Hoàng đế khai quốc chọn người lâm hạnh bằng xe dê
Tấn Vũ Đế (236 – 290) là Hoàng đế khai quốc của nhà Tây Tấn, cũng là người có công thống nhất Trung Hoa sau thời kỳ Tam Quốc.Về cuối đời, ông sa vào tửu sắc, hoang dâm vô độ, mở ra trào lưu xa xỉ, trụy lạc trong khắp giới quý tộc Tây Tấn thời đó.
Trải quá nhiều cuộc chinh phạt và tuyển tú nữ, số lượng mỹ nữ trong hậu cung của Tấn Vũ Đế phải lên tới con số vài ngàn người.
Vì vậy, để "tiện" cho việc sủng hạnh, vị Hoàng đế này đã nghĩ ra một chiêu trò khiến ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Đó chính là cách dùng xe dê để chọn người hầu hạ chuyện giường chiếu cho mình.
Vì sở hữu quá nhiều cung tần, mỹ nữ, Tấn Vũ Đế đã không ít lần đau đầu trong việc lựa chọn người sủng hạnh cho tới khi nghĩ ra phương pháp... dùng xe dê! (Tranh minh họa).
Phương pháp này được tiến hành bằng cách: Mỗi khi tới giờ sủng hạnh, Hoàng đế sẽ cưỡi xe dê chạy qua các buồng cung nữ.
Cứ như vậy, xe dê lại ở đâu, nhà vua sẽ ngủ lại buồng của vị phi tần, cung nữ đó. Đối với phương pháp chọn người lâm hạnh của Tấn Vũ Đế, sử cũ có ghi chép lại. "Tấn thư" phần "Hậu phi truyện" viết rằng: "Nhà vua thường cưỡi xe dê, lại thả cho dê tự chạy để chọn phòng thị tẩm".
Để có được ơn mưa móc của nhà vua, không ít mỹ nữ đã dùng thủ đoạn, chiêu trò để thu hút chú dê kéo xe của nhà vua chạy về buồng của mình.
Biết được dê thích vị nước muối và ăn lá trúc, nhiều cung nữ, phi tần đã dùng hai thứ này rải ở trước cửa. Không ít mỹ nhân cũng đã "một bước lên trời" sau đêm sủng hạnh của nhà vua nhờ chiêu thức ấy.
Vì chỉ là con vật, nên dê kéo của nhà vua vốn không màng tới nữ nhân, chỉ tiện đâu dừng đó. Dựa vào xe dê để được sủng hạnh, thật chẳng khác nào canh bạc may rủi trong cuộc đời những mỹ nữ hậu cung. (Ảnh: nguồn Qulishi.com).
Từ đó, "dương xa vọng hạnh" được nhắc tới như một thành ý dùng để chỉ hi vọng có được sự sủng ái, yêu quý, trọng thị của người khác.
Hoàng đế vong quốc cưỡi xe dê đầu hàng quân địch
Nhiều năm qua đi, giang sơn nhà Tây Tấn cũng nhiều lần đổi chủ. Năm 313, Tư Mã Nghiệp lên ngôi, sử cũ gọi là Tấn Mẫn Đế.
Kế vị khi mới chỉ 14 tuổi, tuy có nhiều đại thần phụ chính, nhưng cơ nghiệp Tây Tấn đã bước vào con đường trượt dốc không phanh, Tấn Mẫn Đế cũng chỉ có thể giương mắt chờ ngày tàn.
Năm Kiến Hưng thứ tư (316), quân Hung Nô đánh vào Trường An, Mẫn Đế không sức chống chọi, buộc phải quy hàng.
"Tấn thư" từng chép lại cảnh tượng đau lòng khi vị Hoàng đế trẻ tuổi ấy cưỡi xe dê ra đầu hàng quân địch:
"Vua cưỡi xe dê, để tay không, mang theo ngọc tỷ và quan tài ra hàng. Quần thần gào khóc cản xe, trèo cả lên xe để giữ vua lại, vua cũng rất buồn."
Sau này, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra ý nghĩa của hình ảnh đầu hàng ấy. Mẫn Đế chọn cưỡi xe dê để bày tỏ sự thuần phục, ngoan ngoãn như loài dê, để tay không là cách ví mình như nô lệ, còn chở theo đồ cúng tế và quan tài là cam chịu nhận lấy cái chết và kết cục mất nước.
Tranh vẽ minh họa hình ảnh bi thương Tư Mã Nghiệp khi phải quy hàng. (Nguồn internet).
Chịu nhiều nhục hình trong tay quân địch, năm 318, Tư Mã Nghiệp bị Lưu Thông giết chết, nhà Tây Tấn chính thức diệt vong.
Cùng là xe dê, cùng chở hoàng đế, cùng tồn tại dưới một triều đại, nhưng hoàn cảnh của hai cỗ xe trên lại hoàn toàn bất đồng. Một chiếc dùng để chở Khai quốc Hoàng đế, một chiếc mang trên mình một vị vua mất nước.
Dưới thời Tấn Vũ Đế, thiên hạ yên ổn, bốn bể thái bình, xe dê chỉ là công cụ để Hoàng đế nhàn hạ lâm hạnh mỹ nữ. Nhưng tới thời Tấn Mẫn Đế, giang sơn đổi chủ, xe dê lại trở thành tiễn đưa nhà vua vào cửa tử.
Khai quốc Hoàng đế dùng xe dê sủng hạnh, lại chẳng thể ngờ rằng ngày sau con cháu mình lại phải cưỡi xe dê để đầu hàng quân địch, dâng cơ nghiệp tổ tiên vào tay ngoại tộc.
Sự hưng suy của cả một vương triều, âu cũng đều được chở trên chiếc "dương xa" ngày ấy!