Ông chủ của SSI từng 'cá' về việc Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình không thể khắc phục sự cố nghẽn lệnh tại HOSE sau 3 tháng, thế nhưng ông chủ SSI đã phải công khai thừa nhận mình đã sai và xin lỗi ông Trương Gia Bình.
Tin vui cho các nhà đầu tư chứng khoán là UBCK thực hiện đúng cam kết, cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ đưa vào vận hành hệ thống của FPT khắc phục nghẽn lệnh trên sàn HOSE.
Cách đây 3 tháng, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – từng 'cá' rằng Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình không thể khắc phục sự cố nghẽn lệnh tại HOSE sau 3 tháng, thế nhưng ông Hưng đã phải công khai thừa nhận mình đã sai và xin lỗi ông Trương Gia Bình.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng.
“Thua anh Trương Gia Bình khi cá “FPT không thể khắc phục sự cố tắc nghẽn hệ thống giao dịch của HOSE trong vòng 100 ngày”. Chúc mừng anh Bình, chúc mừng HOSE, chúc mừng FPT, hôm nay lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán và HOSE đã khẳng định dự án cơ bản đã hoàn thành và sẽ chính thức đưa vào sử dụng trong tháng 6.
Hơn tất cả chúc mừng các nhà đầu tư và các Công ty chứng khoán sắp được trở về trạng thái bình thưởng với hệ thống giao dịch thông suốt hàng ngày! Chưa bao giờ trong đời “thua độ” mà sung sướng như thế này!”.
Ông Nguyễn Duy Hưng đã viết trên trang Facebook cá nhân dòng trạng thái trên vào tối 24/6. Dòng trạng thái trên đã thu hút hàng trăm bình luận của các nhà đầu tư chứng khoán. Hầu hết các nhà đầu tư đều tỏ ra vui mừng khi sự cố nghẽn lệnh của sàn HOSE sắp được khắc phục bởi họ đã quá chán nản với tình trạng nghẽnh lệnh trong suốt thời gian dài.
Ngay tại SSI, nhà đầu tư thường xuyên phải nhận thông báo tạm ngưng giao dịch để khắc phục sự cố, hoặc tạm ngưng tính năng hủy/sửa lệnh,… cũng bởi liên quan đến đường truyền của HOSE.
Tuy nhiên, có không ít nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng thành công của dự án khi thấy ông Hưng nhắc đến cụm từ “cơ bản đã hoàn thành”.
Trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng các nhà đầu tư chứng khoán với dòng trạng thái: “Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Ủy ban Chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?”
Dòng trạng thái trên được ông Hưng viết sau khi có thông tin Bộ Tài chính họp với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.
Tại cuộc họp đó Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Giải pháp thành công đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dữ liệu đầu vào mà FPT đã được tiếp nhận, năng lực triển khai của FPT với một việc khá mới, lựa chọn giải pháp của Bộ Tài chính... Nên những nghi ngờ về thành công của giải pháp này, nếu có hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, với một người có tầm ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán như ông Hưng, phát ngôn nói trên bị “ném đá” bởi trong lúc khó khăn có một doanh nghiệp của Việt Nam lại dám đứng ra gánh vác trách nhiệm, và ai cũng biết việc nâng cấp đường truyền tại HOSE là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua.
Trong khi các nhà đầu tư không ngừng “réo” tên ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE, thì mới đây, trong buổi tọa đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HSX: Thực trạng và giải pháp" tổ chức sáng hôm qua (24/6), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đã bất ngờ xin lỗi nhà đầu tư và mong được thấu hiểu.
“Ở cương vị Chủ tịch UBCK, cũng từng đứng đầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi.
Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất. Tôi cũng bày tỏ lời xin lỗi đến các nhà khoa học, các nhà báo, các công ty chứng khoán vì dù nhận được nhiều câu hỏi trong thời gian qua, nhưng vì không có nhiều thời gian, nên chưa thể giải đáp được đầy đủ”, ông Dũng nói.
Chủ tịch UBCK cho biết nguyên nhân bắt đầu từ quá trình nhận thức. “Dự án đầu tư hệ thống giao dịch chứng khoán bắt đầu từ năm 2000, cá nhân tôi và các nhà kinh tế hiểu biết khá nhiều về chức năng của thị trường chứng khoán, cách tổ chức một TTCK, nhưng một hệ thống giao dịch bao gồm những gì và vận hành ra sao thì hồi đó tôi tin rằng ở Việt Nam thời điểm đó không có nhiều người biết”.
Ông Dũng cũng thừa nhận khi hình thành ra dự án, một dự án khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm triển khai thực tế. Việc chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và có nhiều nguyên nhân chủ quan, từ phía Cơ quan quản lý nhà nước và HOSE trong quá trình thực hiện dự án không kiểm soát được tình hình và chưa thực sự quyết liệt.
Về gói thầu với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), ông Dũng khẳng định: “Từ 14/06 đã chạy thử nghiệm, cuối năm nay hệ thống KRX sẽ đưa vào hoạt động. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng cam kết cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ đưa vào vận hành hệ thống của FPT khắc phục nghẽn lệnh”.