"Thưa Bộ trưởng, vì sao họ ném đá?"

Bùi Hải |

"Có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một huyện trong 150 năm".

Sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giãi bày tâm tư trên nghị trường về việc dư luận phản ứng dữ dội đề xuất thuế tài sản.

Mặc dù thừa nhận: "Cách giải thích, tiếp cận của anh em còn chưa tới nơi tới chốn nên tạo dư luận không tốt, thậm chí là… ném đá", nhưng ông cũng nhấn mạnh: "Bây giờ mới đưa ra vấn đề thuế tài sản thậm chí còn là… chậm".

Thưa Bộ trưởng, đúng là việc thu thuế tài sản ở Việt Nam đi chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng chắc ông cũng hiểu "ngòi nổ chính" của dư luận nằm ở đâu.

Nó nằm ở cái mức trên 700 triệu đồng – số tiền chưa mua nổi căn chung cư dành cho một gia đình thu nhập thấp. Không hợp lý, hợp tình, thì chậm cũng bị phản ứng.

Có thể hiểu một phần tâm tư Bộ trưởng: "Cứ động đến chuyện thu thuế là đụng chạm, điều tiết vào chỗ nọ chỗ kia thì đụng chạm".

Nhưng xét cho cùng, người dân ném đá những tối kiến tận thu, không chỉ vì các vấn đề của riêng ngành thuế.

Thưa Bộ trưởng, vì sao họ ném đá? - Ảnh 1.

Họ phản ứng cái tư duy tận thu cứ xuất hiện liên tục trong bối cảnh mà rất nhiều nơi đốt tiền thuế của dân hơn cả công tử Bạc Liêu đốt tiền của chính mình.

Chậm thu thuế không thấm gì với hàng loạt những chậm trễ gây hậu quả khủng khiếp khác.

Sáng nay ĐBQH Hoàng Văn Hùng đưa ra một ví dụ ấn tượng: "Có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một huyện trong 150 năm".

Thế nhưng, con số ông Hùng đưa ra sẽ khóc thét khi gặp những con số khác.

Số kinh phí mà Hà Giang xin để xây dựng trụ sở trị giá hơn 1.000 tỉ đồng (nếu tính cả gốc và lãi sau 11 năm). Số tiền này, có lẽ bằng cả ngàn năm thu ngân sách của một huyện mà đại biểu Hùng nhắc tới.

Một điều rất đáng lưu ý là dự kiến tổng thu ngân sách năm 2018 của Hà Giang khoảng 2.100 tỉ, trong khi dự kiến chi là 11.400 tỉ. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2017 ở Hà Giang là 34,18%.

Sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa thu hồi đề án đổi mới thi trị giá 749 tỉ đồng sau khi bị công luận chỉ rõ: Đề án đổi mới nhưng nội dung gần như cũ.

Rất may, đề án này chưa chi tiền. Còn những dự án đã chi tiền thì sao?

Cũng sáng nay, câu chuyện về ngôi trường ế sinh viên đã vọng tới hành lang Quốc hội.

Ngôi trường thuộc ĐH Thủy Lợi này (cơ sở Hưng Yên) trị giá 1,137,354 tỷ đồng (trong đó gần 1.000 tỉ đi vay) đã khánh thành năm 2017 nhưng có vô cùng ít sinh viên đến ở. Lý do được đưa ra: Trường ở một nơi buồn, vắng, hạ tầng chưa đầy đủ.

Nếu công trình ngàn tỉ này sử dụng không hiệu quả, Nhà nước sẽ thu hồi được cái gì?  

12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương với gần 100.000 tỉ vốn đầu tư vẫn nằm yên đấy "từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ". Bán cũng chưa, cổ phần hóa cũng chưa, chỉ tính lãi xuất ngân hàng, mỗi ngày đã lãng phí bao nhiêu tỉ?

Các ngân hàng 0 đồng đang trở thành một gánh nặng lớn cho ngân sách.

"GPBank hiện nay lỗ lũy kế đến 13.448 tỉ và âm vốn chủ sở hữu là 10.363 tỉ; OceanBank lỗ lũy kế 15.894 tỉ và âm vốn chủ sở hữu là 11.625 tỉ. Theo tính toán, GPBank mỗi ngày mất khoảng 3,6 tỉ thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỉ" – Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc day dứt.

Kiểm toán nhà nước cũng vừa phát hiện tổng quỹ lương năm 2016 phải chi tăng tới 859 tỉ đồng do nhiều bộ ngành và địa phương vượt chỉ tiêu hơn 78.000 biên chế, lao động.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có một nhận xét ai cũng thấy nhưng rất ít người khái quát: Nhiều doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay. Không thể chấp nhận chuyện đó trong xã hội.

Đằng sau nhận xét ấy của ông Nguyễn Hoàng Anh là một bức tranh thất thoát rất rõ nhiều ngàn tỉ.

Thuế của dân ở đấy chứ ở đâu nữa, ngân sách ở đấy chứ ở đâu nữa, thưa Bộ trưởng?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại