Đừng oán trách công chúng…
Sự nghiệp và lối sống của Hoài Linh đối với anh em nghệ sĩ trong suốt 30 năm qua, có thể nói là một gia tài đồ sộ bậc nhất giới showbiz Việt. Đó là sự thật.
Gia tài ấy vẫn đang rạng rỡ theo một cách rất đáng tiếc mà chưa có cách hiệu quả vãn hồi, đó cũng là sự thật.
Nhưng còn một sự thật khác cực kỳ quan trọng với tất cả nghệ sĩ, đó là công chúng vô cùng khắt khe, nhưng lại vô cùng độ lượng.
Nếu nhìn một cách tích cực, thì sẽ thấy một logic đơn giản: Chính vì họ độ lượng vô cùng, nên họ có quyền khắt khe.
Càng yêu quý bao nhiêu thì càng dễ tổn thương bấy nhiêu.
Quyền lực lớn thế nào, thì phản lực mạnh chừng ấy.
Cái gì xây nên bằng tin yêu, thì cũng có thể sụp đổ từ khối bộc phá của lòng tin yêu.
Nếu nhìn một cách tích cực, sẽ hiểu rằng bước vào nghiệp nghệ sĩ, là ký hợp đồng làm dâu trăm họ. Để trở thành cô con dâu tử tế và chuẩn mực của một gia đình đã khó, huống hồ làm dâu trăm họ: Kẻ trên nhìn xuống, người ta nhìn vào.
Nếu nhìn một cách tích cực, Hoài Linh phải thấy mình may mắn. Trước đây, danh hài chỉ cần nói một câu vu vơ, một từ cà chớn trên facebook, cũng đã có hàng chục ngàn lượt thả tim. Vài ngày kêu gọi, đã có số tiền bằng một tổ chức từ thiện nỗ lực cả năm. Ngay cả trong lúc sóng gió này, chỉ cần làm được một vài điều thực sự tuyệt vời, anh sẽ vẫn có không ít người ủng hộ.
Nếu nhìn một cách tích cực, chẳng tấm huy chương nào chỉ có một mặt. Là người nổi tiếng, anh không chỉ được chiếu rọi dưới ánh đèn sân khấu mà còn bị "nội soi" kỹ càng trước sự minh bạch của cuộc đời.
Thế nên, đừng ngạc nhiên tại sao hôm qua công chúng còn thả tim, hôm nay đã chỉ trích. Đó là một phần tất yếu của cuộc chơi sòng phẳng giữa nghệ sĩ và công chúng. Nghệ sĩ không ngăn cản công chúng yêu mình, thì ai có thể cấm cản họ ghét mình!
Nếu nhìn một cách tích cực, sự chỉ trích ấy chứng tỏ một bộ phận không nhỏ công chúng rất chính trực và rõ ràng, đặc biệt với vấn đề nhạy cảm như Tiền – Bạc. Họ yêu ghét thẳng băng, như dân gian vẫn nói: Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát.
Một xã hội mà bất cứ cái gì cũng được tán thành 100%, thì sự chính trực trong xã hội đó chắc chắn có vấn đề nghiêm trọng. Người phản biện, người chỉ trích, trong nhiều trường hợp, chính là thầy ta, là người thúc đẩy ta hoàn thiện nhanh nhất.
Dù cho bản chất của số đông là "9 người, 10 ý", thì nếu nhìn một cách tích cực nhất, chẳng có ai rộng rãi, vị tha, độ lượng như công chúng. Vô số người lầm đường lạc lối, thậm chí dối trá đảo điên, nhưng khi biết sửa sai, quay đầu, công chúng vẫn rộng lòng tha thứ.
Tấm lòng công chúng giống như biển. Bao nhiêu thứ đổ ra biển, đại dương vẫn bao dung đón nhận và trung hòa. "Biển bao dung nhận trăm sông nên lớn". Lúc giận dữ thì như sóng thần, lúc hiền hòa thì xanh mát.
Nhưng không phải ai cũng biết cách ứng xử để có được sự bao dung của biển. Nếu nỗ lực làm sạch mình để không mang rác rưởi, hóa chất đổ ra biển, thì lẽ nào biển lại phụ người? Mọi con sóng dù có đi xa đến đâu, vẫn được vỗ lại tới bờ.
Không "chữa cháy bằng xăng" và "vạn sự trách mình"
Sau một lần lên tiếng xin lỗi, Hoài Linh im lặng. Dường như điều đó chưa đủ với công chúng, bởi tình yêu, sự trân trọng mà họ đã từng (và vẫn còn) dành cho anh là quá lớn.
Một số nghệ sĩ đã lên tiếng đỡ cho anh, bảo vệ anh. Họ làm cái việc mà họ cho là đúng. Nhưng kể cả họ có yêu thương anh đến mấy, chắc chắn họ không giải quyết thay anh được. Chưa kể, có người bênh vực một cách ngây thơ, đã vô tình đổ thêm dầu vào lửa. Chữa cháy bằng xăng, không những chẳng giúp được anh mà còn để lửa bén vào chính người giải cứu.
Ca sĩ Phương Thanh nói rất đúng, đừng ai lôi cô vào chuyện của Hoài Linh nữa, bởi nhân quả ai gieo, người ấy tự phải gặt. Phương Thanh tin rằng, người nghệ sĩ chân chính, sẽ đủ bản lĩnh để đối diện và hóa giải ân oán, nhân quả cho mình. Chỉ họ chứ không ai khác.
Về nguyên lý, đám cháy nào cũng có thể dập tắt! Từ đống tro tàn còn có phượng hoàng bay lên nữa là.
Một nghệ sĩ đàn em của anh đã phải kêu lên "một thần tượng lớn như anh Hoài Linh bỗng sụp đổ, tôi không chịu nổi".
Đúng là đã từng có rất nhiều người chôn vùi sự nghiệp cả đời vì một sai lầm. Nhưng đó là vì họ không biết sửa sai và không nỗ lực sửa sai.
Giống như đại dịch covid -19, muốn chống nó, chúng ta phải nỗ lực gấp 200 -300% bình thường. Tất cả những quốc gia chỉ biết nỗ lực bình thường đều phải trả giá.
Nếu Hoài Linh coi cơn bão gần 14 tỉ từ thiện, giống như đại dịch đến với mình, thì anh phải có những biện pháp rất cẩn trọng nhưng đủ mạnh mẽ để ngăn chặn nó trước khi tình hình mất kiểm soát.
Covid -19 không tự nhiên sinh ra, nó là hệ quả tất yếu khi loài người đã tàn phá môi trường và muôn loài không ngừng nghỉ. Cơn bão của Hoài Linh cũng không tự nhiên sinh ra, mà xuất phát từ việc chưa tròn trách nhiệm của anh với biết bao người tin yêu mình.
Khi nhìn thấu được như thế, thì Anh sẽ chả trách cứ bất cứ một ai, kể cả những người mắng chửi mình. "Vạn sự trách mình" - mọi sự đến với ta đều là nhân quả của ta, nên phải "vạn sự trông chờ vào chính mình".
Ngã chỗ nào, có thể đứng lên từ chỗ ấy
Một cựu quan chức – nhà từ thiện có tiếng – khi được phỏng vấn đã không đồng ý xuất hiện trên mặt báo. Ông bảo: "Gần như không có ai không mắc lỗi lầm trong suốt cuộc đời. Hãy để cho Hoài Linh một cơ hội. Ai ngã chỗ nào thì cũng có thể đứng lên từ chỗ ấy…".
Ngã từ đâu, vẫn có thể đứng lên từ đấy, miễn là không chủ quan, không thối chí, không oán trách và biết nỗ lực hơn nhiều lần bình thường. Người ta chỉ không đứng được nếu không còn muốn đứng, không còn muốn vãn hồi mọi thứ.
Bất cứ cái gì đổ được, thì cũng xây được. Về bản chất, 30 năm sự nghiệp của Hoài Linh vẫn còn đó, vẫn những vai diễn hài đỉnh cao, vẫn cách sống chan hòa và truyền cảm hứng nghề nghiệp tới nhiều anh em nghệ sĩ.
Tất nhiên chặng đường năm thứ 31 này, nhiều fan hâm mộ đã quay lưng; một số khác hoang mang và phần còn lại thì buồn bã. Nhưng cuộc đời vốn vô thường, chẳng có gì mãi mãi, chẳng có gì không thể. Chẳng ai quay lưng mãi, hoang mang mãi và buồn bã mãi.
Nếu họ nhìn thấy một Hoài Linh trách nhiệm và cống hiến, họ sẽ dần yêu thương lại. Những ai chỉ trích anh dữ dội hôm nay, rất có thể sẽ lại thả tim cho anh trên những status duyên dáng trên fanpage Võ Hoài Linh có gần 13 triệu người theo dõi.
Theo kinh điển nhà Phật, một sát thủ giết người để sưu tầm 1.000 ngón tay, khi tỉnh ngộ, biết tu tâm dưỡng tính, vẫn đắc quả vị a la hán. Nên mới có câu "buông đao thành Phật" là vì thế.
Đi đúng đường, rồi cũng sẽ tới đích.
Nước mắt và vai diễn thử thách nhất
Nhiều người không biết việc chậm trễ cứu trợ khoản tiền gần 14 tỉ của Hoài Linh là do đâu, nhưng không ít tin rằng: Với những gì đã gây dựng trong 30 năm qua, anh không phải tuýp người bất chấp tất cả để trục lợi.
Kiếp nạn của Hoài Linh chủ yếu nằm ở thái độ: Thái độ trách nhiệm đối với khoản đóng góp của cộng đồng và thái độ ứng xử khi scandal nổ ra. Anh đã không có những phát ngôn và hành động đủ nặng ký để công chúng nhận thấy sự chân thành hối lỗi và quyết liệt sửa sai.
Khi quay clip trả lời công chúng, anh vẫn còn cười. Thế nhưng, bạn bè Hoài Linh nói rằng, giữa cơn bão quá lớn này, khi họ đi về rồi, anh mới ôm mặt khóc. Nụ cười và nước mắt đều không phải là giải pháp để vượt qua cơn bão.
Nếu nước mắt khiến người ta vơi đi phiền muộn, đương nhiên, rất có ích. Nhưng nếu nó làm nhòe mờ đi những điều đẹp đẽ, làm ướt nhẹp đi niềm tin khi nhìn công chúng, nhìn vào chính mình, thì lại khác.
Kể cả mạng xã hội và cuộc sống vẫn còn đầy rẫy điều bức bối, thì cuộc đời này vẫn có những người yêu thương nhau vô điều kiện.
Một người có bệnh trong người như Hoài Linh cần cười nhiều hơn khóc.
Diễn hài đỉnh cao mua vui cho cả triệu người đã khó, nhưng vai diễn trong những ngày sóng gió này mới là thử thách cao nhất trong sự nghiệp của Hoài Linh. Vai diễn đem lại tiếng cười cho chính mình, tìm lại niềm vui sống cho chính mình.
Có vui khỏe, bình an, Anh mới có thể tiếp tục những việc làm còn dang dở để hàn gắn vết nứt vỡ đáng tiếc trong lòng những người đã từng tin tưởng, những người vẫn đang yêu quý và chờ đợi anh tái xuất.
Vì thế, ghế nóng nhất của Hoài Linh là vị trí "Thách thức danh hài trong cuộc sống", chứ không phải trong trường quay game show cùng tên – một game show ăn khách mà Điền Quân sản xuất.
Ông Đoàn Ngọc Hải, một người cùng tuổi, nhiệt tâm làm từ thiện và rất thương Hoài Linh, đã gửi gắm: "Tôi mong anh Hoài Linh hãy đứng dậy như một người đàn ông dũng cảm và tử tế như trước kia anh đã từng làm và tiếp tục mang lại tiếng cười cho 100 triệu dân của Việt Nam".
Hy vọng sẽ có một ngày, gần thôi, công chúng sẽ vẫn kêu lên "ơn giời, cậu đây rồi" khi thấy anh đứng dậy và bước tiếp!