Trong những năm qua, các loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) không chỉ tăng về tầm bắn, mà cùng với nó là tăng sức xuyên phá.
Chúng không chỉ dùng tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép hay phương tiện cơ giới mà cả các hỏa điểm, sinh lực tập trung và thậm chí dùng để tham gia vào các cuộc đấu ATGM tay đôi như trong cuộc nội chiến tại Syria hiện nay.
Không chỉ đơn thuần là vũ khí chống tăng
Do đặc điểm là đạn nổ lõm, phần lớn hiệu ứng nổ tập trung vào việc tạo ra một tia kim loại nóng để xuyên giáp nên ngoài khả năng khoan phá, các đầu đạn của tên lửa chống tăng có sức công phá kém so với các loại đạn pháo, cối thông thường.
Để tăng khả năng sát thương bộ binh, một số đầu đạn của ATGM được tạo ra hiệu ứng phân mảnh hoặc trang bị đầu đạn nhiệt áp. Tuy nhiên, những loại đầu đạn này không hiệu quả với những mục tiêu bọc giáp dày.
Nga dường như đang đi đầu trong việc phát triển các loại tên lửa mang đầu đạn sát thương, cũng như đầu đạn nhiệt áp chống bộ binh cho tên lửa dẫn đường chống tăng của họ.
Trên thực tế, nhiều tên lửa trong kho của Nga đều có các biến thể với đầu đạn chống bộ binh. Nhưng vũ khí này hiệu quả như thế nào? Ai sử dụng chúng? Liệu họ có thể chứng minh một sự thay thế khả thi cho những vũ khí bộ binh và hỏa khí đi cùng khác như súng bắn tỉa hay pháo bắn ngắm trực tiếp không?
Một trong những cách sử dụng chính của tên lửa dẫn đường chống tăng là phóng từ trực thăng vũ trang. Ngoài nhiệm vụ chống xe tăng, xe cơ giới, nó còn có nhiệm vụ chống bộ binh.
Hiện nay Nga có loại tên lửa 9M120F, đây là một biến thể cải tiến của phiên bản tên lửa chống tăng 9M120 Ataka do Liên Xô sản xuất, được lắp đầu đạn nhiệt áp dùng để tấn công công trình kiên cố, boongke và chống bộ binh và được trang bị trên trực thăng vũ trang Mi-24V, Mi-28, Mi-8AMTS, Ka-29, Ka-50...
Năm 2016, quân đội Nga trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria đã sử dụng tên lửa 9M120F để tiêu diệt các lực lượng IS.
Không chỉ có Nga, hiện nay Mỹ cũng đưa ra một phiên bản tên lửa chống tăng được tối ưu hóa cho hiệu ứng nổ trong tên lửa AGM-114N Hellfire II, sử dụng đầu đạn chứa mảnh để tăng bán kính sát thương cho vụ nổ tên lửa.
Cả Nga và Mỹ đều tìm cách tăng khả năng sát thương của tên lửa chống tăng có điều khiển.
Mỹ hiện có phiên bản TOW BGM-71 lắp đầu đạn nổ loại lớn là BGM-71H Bunker Buster, có thể xuyên phá các boong ke hoặc các mục tiêu hầm ngầm, nằm sâu dưới lòng đất. Đó là ATGM có tính năng như một đầu đạn pháo thực thụ, và Mỹ cũng chỉ có phiên bản này là duy nhất.
Trong khi đó, phần lớn các loại ATGM của Nga hiện có trong biên chế hoặc chế tạo chỉ để xuất khẩu đều có biến thể nhiệt áp hoặc phân mảnh cao chống bộ binh.
Từ ATGM hạng nặng gắn trên trực thăng vũ trang như 9M120F Ataka (hay ATGM 9K132 Shturm-SM gắn trên xe cơ giới hoặc trực thăng vũ trang), đến tên lửa 9M131F Metis-M mang vác hạng nhẹ, đều có cả đầu đạn xuyên giáp chống tăng và phân mảnh, nhiệt áp chống bộ binh.
Các biến thể ATGM này đã thấy xuất hiện trong trang bị của các bên tham chiến tại các khu vực xung đột. Đáng chú ý đó là tên lửa nhiệt áp 9M113F-1 của hệ thống ATGM Kornet.
Hệ thống ATGM Kornet do Nga sản xuất với đạn nhiệt áp chống bộ binh 9M113F-1
Nó không chỉ xuất hiện trong cuộc xung đột tại Donbass của Ukraine, mà còn thấy xuất hiện trong cuộc nội chiến tại Sudan. Đây là mối đe dọa nguy hiểm vì sức công phá của loại tên lửa này rất lớn.
Tên lửa Kornet nổi tiếng là một trong những tên lửa chống tăng mạnh mẽ và chính xác nhất, xe tăng Merkava của Israel đã bị nó đánh tan tác tại Lebanon trong cuộc xung đột với lực lượng du kích Hezbollah năm 2006.
Ngoài đầu đạn chống tăng, tên lửa còn có đầu đạn nhiệt áp, cho nó khả năng chống bộ binh cũng như phá hủy các công sự, nhà cửa một cách đáng kinh ngạc.
Đầu đạn nhiệt áp 9M113F-1 Kornet được cho là có tác dụng nổ phá tương đương 10 kg thuốc nổ TNT, hoặc một đầu đạn pháo 155 mm thông thường. Đầu đạn nhiệt áp của ATGM Metis-M là 9M131F thì nhẹ hơn, nên sức nổ chỉ tương đương 5 kg TNT, nhưng vẫn gấp đôi so với sức công phá của đầu đạn pháo 105mm.
Lực lượng phiến quân Syria sử dụng ATGM Kornet để chống lại quân đội Chính phủ Syria.
Mối đe dọa mới của bộ binh trên chiến trường
Cùng với kính ngắm có bội số từ 12-20x, đầu đạn nhiệt áp của Kornet đã biến ATGM này thành một công cụ chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD) mạnh mẽ để chống lại bộ binh.
Các nhà quân sự phương Tây đã quá quan tâm đến việc sử dụng súng trường bắn tỉa tầm xa cho vai trò này, nhưng với những ATGM được trang bị đầu đạn nhiệt áp chống bộ binh, đây mới là một vũ khí hoàn hảo để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Ngược lại với huấn luyện xạ thủ súng trường bắn tỉa, ATGM có khả năng dẫn đường chính xác nên việc huấn luyện một trắc thủ tên lửa dễ dàng hơn, không cần người có kỹ năng đặc biệt.
Phạm vi bắn tối đa của tên lửa Kornet là 5.500 m (vượt xa tầm bắn của súng bắn tỉa xa nhất) và tầm bắn của Metis-M nhỏ hơn (trong phạm vi 2.000 m). Ở những cự ly này, các phân đội bộ binh không thể biết mình đang bị đe dọa bởi các khẩu đội tên lửa chống tăng có điều khiển, được trang bị những loại đầu đạn sát thương chuyên dùng chống bộ binh.
Tổ hợp ATGM Metis-M là một trong những tổ hợp chống tăng rất hiện đại do Cục thiết kế khí cụ KBP (Nga) sản xuất từ năm 1992, có khối lượng nhẹ, mức sát thương cao.
Trong khi đó, các phân đội này thường không được trang bị các bộ thu cảnh báo laser hoặc các thiết bị nâng cao khác để xác định vị trí ATGM cũng như báo động có tên lửa đang phóng đến để có thể ẩn nấp, tránh thiệt hại.
Mặc dù các vị trí bố trí trận địa ATGM sẽ dễ bị lộ (nhất là sau khi phóng tên lửa) so với các phân đội súng bắn tỉa nhưng các hệ thống ATGM đều khá cơ động, chúng có thể được vận chuyển bằng các nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người (tùy theo yêu cầu).
Vì vậy, chúng có thể hoạt động như một vũ khí dẫn đường chính xác cho các hoạt động phục kích, tập kích và truy kích.
Lực lượng phiến quân tiến hành phục kích quân đội Syria với ATGM Metis-M
Tất nhiên, vấn đề lớn nhất với những tên lửa này là chi phí. ATGM có giá thành cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc súng trường bắn tỉa. Nhưng chi phí là một yếu tố không quá quan trọng, nhất là khi trong các cuộc xung đột hiện nay, việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy đều có bàn tay nước ngoài.
Ví dụ trong cuộc chiến tranh tại Syria, có thể thấy các loại tên lửa khác nhau từ nước ngoài tuồn vào như của Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc.
Đáng chú ý, đã có thông tin về việc Iran cung cấp bản sao của ATGM 9M113F trang bị đầu nổ nhiệt áp cho lực lượng dân quân Shiite ở Iraq.
Hệ thống ATGM TOW BGM-71 (Mỹ) là nỗi kinh hoàng với quân đội chính phủ Syria.
Các lực lượng nổi dậy bây giờ không chỉ được trang bị súng chống tăng vác vai PRG, khẩu súng trường AK hay gói thuốc nổ tự tạo, mà họ còn được trang bị các loại ATGM hiện đại với mức độ chính xác cao, dễ mang vác cơ động, tầm bắn xa, phù hợp với các hoạt động chiến thuật tập kích, phục kích, lại không phải đòi hỏi trình độ huấn luyện, sử dụng quá cao.
Bài học về thiệt hại của quân đội chính phủ Syria hiện nay, hay các lực lượng liên quân do Arab Saudi đứng đầu trong cuộc can thiệp quân sự vào Yemen là minh chứng điển hình về ác mộng sử dụng ATGM của một đội quân du kích chống lại quân đội chính quy trong cuộc chiến phi đối xứng.