"Thư viện mùa xuân" - Chiếc xe chở sách và những lớp học đặc biệt dưới tán cây ở Tây Nguyên

An Chi |

Với quan điểm mỗi đứa trẻ đều như những bông hoa tươi thắm trong trẻo và xinh xắn, góp lại thành một mùa xuân tươi đẹp, "Thư viện mùa xuân" đã mang niềm vui đến cho nhiều trẻ em buôn làng Tây Nguyên.

Năm 2022, khi tham gia một dự án góp sách từ thành phố về tặng các điểm trường tại các buôn làng vùng sâu khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk, anh Phạm Thanh Tuấn (người sáng lập "Thư viện mùa xuân") nhận thấy đường vào các điểm trường mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì sình lầy ngang bánh xe.

Lúc đó, anh đã thầm nghĩ "Giá mà có một chiếc xe chở sách có thể vượt đường lầy để mang sách và quà bánh vào cho các con thì hay biết mấy". Quyết tâm biến suy nghĩ thành hiện thực, đến tháng 6/2022, chiếc xe tải màu vàng có tên gọi "Thư viện mùa xuân" với biểu tượng cầu vồng chính thức lăn bánh lần đầu tiên tới điểm trường Ea Sol, Ea Hleo, Đắk Lắk với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số là Ê-đê và Ja-rai.

Cứ như vậy, đều đặn trong 2 năm qua, ít nhất mỗi tháng 01 lần chuyến xe chở đầy sách và quà, đồ chơi đã lăn bánh chưa nghỉ một ngày nào tới các điểm trường vùng sâu khó khăn tại Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông để phục vụ các em nhỏ đồng bào thiểu số tại các điểm trường vùng sâu.

"Thư viện mùa xuân" từ đó cũng trở thành dự án cộng đồng nằm lan tỏa văn hóa đọc, đưa sách tới các buôn làng Tây Nguyên phục vụ các em nhỏ đồng bào thiểu số.

"Thư viện mùa xuân" - Chiếc xe chở sách và những lớp học đặc biệt dưới tán cây ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chiếc xe màu vàng mang thư viện di động đến với trẻ em nghèo ở Tây Nguyên

Trong mỗi chuyến đi, nhóm của anh Tuấn đã lựa chọn những cuốn sách, truyện nhiều hình và ít chữ bởi sau khi làm đủ lâu và đủ nhiều, anh Tuấn nhận thấy loại sách này phù hợp với sở thích và nhu cầu đọc của các em hơn.

Trong quá trình giao lưu với các em, nhóm của anh Tuấn tổ chức các cuộc "khảo sát" mini, hỏi các em sẽ chọn gì trong 3 thứ: Sách, kẹo, đồ chơi và nhận thấy 60% các em vẫn chọn "đồ chơi".

Nắm được nhu cầu, mong muốn của những đứa trẻ ở nơi đây nên ngoài sách ra, những chuyến xe của "Thư viện mùa xuân" cũng chở theo đầy ắp là đồ chơi, quà bánh, quà khuyến học, thậm chí là lego, cờ vua… Từ đó, các em vừa có cơ hội học tập, vừa có thêm cơ hội trải nghiệm các trò chơi mà đối với các em được coi là "thứ quà xa xỉ".

"Thư viện mùa xuân" - Chiếc xe chở sách và những lớp học đặc biệt dưới tán cây ở Tây Nguyên - Ảnh 2.

Không chỉ là sách, các em nhỏ còn được vui chơi, nhận quà

Để cách truyền tải của mình không bị nhàm chán, anh và các thành viên trong dự án "Thư viện mùa xuân" đã nghĩ ra mô hình hoạt động, đó là coi sách là chủ thể trung tâm và có 7 hoạt động trải nghiệm xung quanh sách. Mỗi hoạt động trải nghiệm sẽ được đặt tên là một màu sắc và khi hợp lại chính là 7 màu sắc của cầu vồng. Do đó chuyến xe "Thư viện mùa xuân" còn được gọi là "Trường học Cầu vồng" với những lớp học dưới tán cây, không bàn, không ghế, không có bất kỳ quy tắc nào ngoài nụ cười và niềm vui của trẻ nhỏ.

Khi học, các em sẽ được ngồi thành một vòng tròn để đọc sách, mỗi vòng tròn đều sẽ có tình nguyện viên hướng dẫn các em đọc sách, sau đó viết hoặc vẽ cảm nhận rồi ra xe "Thư viện mùa xuân" để nhận quà. Đây là cách mà anh Tuấn gọi là "khuyến đọc". Anh cũng không ép buộc tất cả các em đều làm vậy, em nào thích chơi thì sẽ ra khu vực chơi cờ vua, xếp lego, tô màu,...

50 điểm trường được ghé thăm, 15.000 em nhỏ được tiếp cận dự án

Với quan điểm, đứa trẻ nào cũng là một tài năng và trẻ em nơi đâu cũng xứng đáng được hưởng những điều kiện phát triển tốt hơn không phân biệt thành phố hay nông thôn, vùng núi hay đồng bằng, dự án đã mang lại niềm vui cho hàng vạn em nhỏ.

Dự án "Thư viện mùa xuân" xác định rõ đối tượng hướng đến là trẻ em từ 3-11 tuổi tại các buôn bản, điểm trường vùng sâu thuộc khu vực Tây Nguyên.

Với tủ sách cầu vồng, các chương trình hoạt động xoay quanh sách và phương pháp học mà chơi, trẻ sẽ không bị đóng khung trong 4 bức tường mà lớp học có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu mà em muốn và có thể tự do làm những điều mình thích: đọc sách, vẽ, vui chơi,.. Theo người sáng lập, mọi sự đầu tư của dự án sẽ dành để phục vụ mục đích trải nghiệm của các em nhỏ.

"Thư viện mùa xuân" mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục và trở thành một dự án giáo dục toàn cầu với triết lý "Hãy để trẻ được trở thành màu sắc mà mình muốn".

Sau hơn 2 năm thai nghén và bắt tay vào triển khai, dự án đã thu về những kết quả nhất định với những con số biết nói.

"Thư viện mùa xuân" - Chiếc xe chở sách và những lớp học đặc biệt dưới tán cây ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

15.000 em nhỏ đã được hưởng lợi từ dự án

Cụ thể tới nay, chuyến xe “Thư viện mùa xuân” đã phục vụ hơn 50 điểm trường vùng sâu với hơn 15.000 em nhỏ được hưởng lợi từ dự án và khoảng 12.000 đầu sách được trao tặng dưới hình thức “tủ sách cầu vồng” gắn tại từng lớp học.

Dự án cũng tổ chức hơn 50 chương trình hoạt động trải nghiệm xoay quanh sách như: đọc sách viết cảm nhận, chơi cờ vua, vẽ tranh, xếp lego. Bên cạnh đó còn có 38 sân chơi thiếu nhi được thi công và lắp đặt.

"Thư viện niềm vui" đã gieo hạt giống ước mơ tuổi thơ tới những trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng sâu vùng xa để tương lai những hạt giống ấy sẽ nảy mầm. Các em nhỏ từ buôn làng tự tin bước ra thế giới rộng lớn thay vì lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 13,14 và mãi sống trong cảnh đói nghèo.

Dự án có mục tiêu sau năm 05 năm hoạt động dự án sẽ cung cấp và trang bị 150 tủ sách cầu vồng và 200 chương trình hoạt động trải nghiệm xoay quanh sách cho 100 điểm trường vùng sâu khó khăn và mục tiêu dài hạn sau đó là trở thành doanh nghiệp tạo tác động xã hội tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tại khu vực Tây Nguyên.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề " Cộng đồng kiến tạo " tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

  1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
  2. Ký kết và công bố hợp tác với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển bền vững và các đơn vị bảo trợ truyền thông:
  • PwC - (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
  • Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
  • Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
  • Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan toả những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok

Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.

Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

"Thư viện mùa xuân" - Chiếc xe chở sách và những lớp học đặc biệt dưới tán cây ở Tây Nguyên - Ảnh 4.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại