Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động cấm biển ứng phó bão số 9

Nam Khánh |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ, rà soát phương án di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm, tùy tình hình thực tế để chủ động cấm biển cho học sinh nghỉ học.

Ngày 22/11, Thủ tướng có công điện, yêu cầu các tỉnh từ Quảng Nam đến Bà Rịa- Vũng Tàu, TPHCM, các tỉnh Tây Nguyên, các bộ ngành đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.

Theo công điện, do ảnh hưởng của bão số 8, trong các ngày 17-18 tháng 11 năm 2018 tại một số tỉnh Nam Trung bộ đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chiều nay (22/11), áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 9) và đang di chuyển hướng về khu vực quần đảo Trường Sa và đất liền nước ta.

Dự báo, bão số 9 còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng ngày 24 hoặc sáng 25/11, vùng tâm bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12.

Bão gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung bộ và Nam Tây Nguyên, nhất là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lớn do bão số 8 vừa qua.

Khu vực dự kiến bão đổ bộ có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, đảo và ven biển, đã bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 năm 2017 và bão số 8 năm 2018, đặc biệt là tỉnh Khánh Hoà.

Đây là cơn bão cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.

Chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ gây ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trong đó, tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền (kể cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch)…hướng dẫn tàu không di chuyển không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh an toàn. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định thực hiện việc cấm biển.

Các địa phương hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, kể cả đối với các tàu vãng lai của địa phương khác và tàu quốc tế. Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Trên đất liền, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, có phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu vực gần các cột tháp cao, các nhà không bảo đảm an toàn.

Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào. Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao…

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, khu khai thác khoáng sản.

Có biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Thủ tướng cũng lưu ý, căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển, quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

Đảm bảo an toàn hồ chứa

Tại khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Với các bộ, ngành, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể, phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại