Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk và những ván cờ ‘chống lại nước Nga’

Chủ trương xây dựng bức tường trên biên giới với Nga, cáo buộc Moscow “đang tìm cách viết lại” lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ 2, khởi động cuộc chiến khí đối với Nga… Arseniy Yatsenyuk luôn cho thấy quyết tâm “đoạn tuyệt với nước Nga” trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Ukraine.

“Tôi đã quyết định từ chức thủ tướng Ukraine. Vào ngày thứ ba, 12/4, đề nghị này sẽ được trình lên Quốc hội”, ông Yatseniuk nói và cho rằng: “Cuộc khủng hoảng chính trị trong nước bị tạo ra một cách giả tạo.

Mong muốn thay thế một người đã khiến các chính trị gia mờ mắt và làm tê liệt ý chí chính trị nhằm đấu tranh cho một sự thay đổi thực chất của họ”.

Theo hãng tin RIA Novosti,trong thời gian làm Thủ tướng Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk đã lên hàng loạt kế hoạch nhằm tách Ukraine ra khỏi Nga và “cố gắng viết lại lịch sử” của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Điển hình là một số kế hoạch sau:

“Bức tường” Yatsenyuk

Tháng 5/2015, Thủ tướng Yatsenyuk công bố việc xây dựng “một biên giới thực” với Nga. Dự án được gọi là “Bức tường”, và sau đó được đổi tên thành “Bức tường châu Âu” theo gợi ý của nhiều thành viên Chính phủ.

“Bức tường” thực tế là một hệ thống mương bảo vệ, rào chắn và được bố trí nhiều tháp canh. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2018.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí hạn hẹp mà châu Âu phân bổ cho dự án “đoạn tuyệt với Nga”. “Bức tường” hiện nay triển khai được 270km trên tổng số 2.400 km như dự kiến.

“Liên Xô xâm lược Ukraine và Đức”

Trong chuyến thăm Berlin (Đức) vào đầu tháng 1/2015, ông Yatsenyuk nói: "Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là hành động tấn công vào trật tự thế giới và trật tự tại châu Âu. Tất cả chúng ta vẫn còn nhớ cuộc xâm lược của Liên Xô tại Đức và Ukraine.

Chúng ta phải không để cho điều này xảy ra. Không ai có quyền viết lại kết quả Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách làm điều này'.

Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Đức và yêu cầu Berlin khẳng định lập trường của Đức về Thế chiến thứ 2.

Đại diện Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schiffer, sau đó nói rằng, quan điểm của Đức là không thay đổi: “Phát xít Đức đã tiến hành cuộc chiến tranh khủng khiếp chống lại Liên Xô, gây ra muôn vàn đau khổ cho người dân Nga và Ukraine’.

Cuộc chiến khí đốt Nga – Ukraine

Vào mùa xuân năm 2014, Yatsenyuk đã cáo buộc Nga chặn việc cung cấp khí đốt cho Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine không đề cập lý do chính vì sao Moscow ngừng chuyển khí đốt cho Kiev: Ukraine không thanh toán hóa đơn khí đốt với Nga.

Ông Yatsenyuk cho rằng, Ukraine có thể tiếp tục mua khí đốt với “mức giá thị trường có thể chấp nhận được", tức là 268USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt.

Nếu không được ưu đãi, Kiev sẽ phải mua khí đốt của Nga với mức giá vào khoảng 400USD/1.000m3, và rằng “mức giá này quá bất công và Ukraine sẽ không trả tiền”.

"Nga không thể chiếm Ukraina bằng hành động quân sự, nên giờ đây họ đang theo đuổi một kế hoạch để gây sức ép và chiếm Ukraina thông qua vấn đề kinh tế và khí đốt" - ông Yatsenyuk cáo buộc.

Hiện Ukraine đã chuyển hướng mua lượng khí đốt tương đối lớn từ Slovakia, tuy nhiên, giá thành và các điều khoản không tốt hơn so với đối tác Nga.

“Xù nợ” 3 tỷ USD của Nga

Giữa tháng 12/2015, Thủ tướng Yatsenyuk khẳng định: “Từ hôm nay chúng tôi ngừng trả khoản nợ này. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu với Nga trong một cuộc chiến pháp lý”.

Tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Ukraine đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho chính phủ kiện Ukraine nếu Kiev không chịu trả nợ.

Điện Kremlin cho biết Kiev khước từ mọi đề nghị tái cơ cấu nợ mà Moscow đưa ra. Trên thực tế, hai nước đã tranh cãi dữ dội về khoản nợ 3 tỷ USD mà chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich vay hồi tháng 12/2013, trước khi ông bị lật đổ và trốn sang Nga.

Chính quyền mới của Ukraine cho rằng đây không phải là nợ nhà nước do chính phủ Kiev vay từ chính phủ Moscow, mà là một giao dịch được thực hiện qua các thị trường tài chính, do đó phải tuân theo các thỏa thuận mà Ukraine đạt được với những chủ nợ khác.

Điện Kremlin đề nghị Kiev trả dần khoản nợ này trong ba năm và yêu cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) can thiệp. Mới đây IMF xác định đây là nợ công mà Ukraine vay từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại