Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976, tại Hà Tĩnh.
Ông từng kinh qua các chức vụ: Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 6-2019 đến nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết khóa XII, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Quốc Khánh. Ảnh:Nhật Bắc
Trước đó, chiều 22-5, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, làm Bộ trưởng Bộ TN-MT nhiệm kỳ 2021-2026 thay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang kiêm nhiệm.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 525/2023/QĐ-CTN ngày 22-5-2023 bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trước đất nước, trước Đảng và nhân dân.
Với trọng trách là Bộ trưởng TN-MT, bản thân ông sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình, không ngừng học hỏi, rèn luyện, tận tâm, tận lực, nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ mới, kế thừa, phát huy những thành quả, những kinh nghiệm quý báu của các bậc lãnh đạo tiền nhiệm.
Tân Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết bối cảnh hiện tại đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với ngành TN-MT để phục vụ xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Những khó khăn, thách thức đang và sẽ đặt ra trong thực tiễn cho Bộ TN-MT tiếp tục phải tham mưu xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) đang được nhân dân cả nước rất quan tâm. Từ đó, đưa các chủ trương, chính sách mới của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực TN-MT thành hiện thực và đi vào cuộc sống.
Ông Đặng Quốc Khánh hứa sẽ khẩn trương nắm bắt công việc, cùng với tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, trước mắt và lâu dài.
Tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới tư duy mạnh mẽ, khai thác nguồn lực TN-MT tốt nhất, hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
Quyết liệt chỉ đạo thực hiện thành công các định hướng, giải pháp theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng được các cơ hội từ xu thế toàn cầu về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; đưa TN-MT tiếp tục là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển của đất nước.