Thủ tướng TQ đến Australia sau 1 thập kỷ và cách Bắc Kinh gieo nghi kỵ cho đồng minh của Mỹ

Lưu Bình |

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ hôm 22/3. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng có kế hoạch đến nước này vào tháng 4.

Các nhà phân tích cho rằng, sau khi Tổng thống Donlad Trump nhậm chức, mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Australia đã có nhiều thay đổi "tế nhị", khiến Trung Quốc có thêm cơ hội tác động lên Canberra.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bắt đầu chuyến thăm chính thức 5 ngày đến Australia từ hôm 22/3, tiếp theo ông Lý sẽ thăm chính thức New Zealand.

Đây là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến hai nước châu Đại Dương sau 11 năm. Hồi năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thực hiện chuyến công du tương tự.

Tín hiệu từ chuyến thăm của Lý Khắc Cường

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho biết hôm 21/3, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý không chỉ để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

"Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới hiện nay còn yếu, chủ nghĩa bảo hộ và trào lưu tư tưởng chống lại toàn cầu hóa đang trỗi dậy, chuyến thăm lần này sẽ phát đi một tín hiệu tích cực hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới, đó là Trung Quốc, Australia và New Zealand cam kết tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, nhằm duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực," ông Trịnh nói.

Trong chuyến thăm, ông Lý cùng đồng cấp Australia Malcolm Turnbull đã ký thỏa thuận mở rộng nhằm cải thiện dịch vụ và đổi mới tự do thương mại song phương, thỏa thuận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực đầu tư khác.

Báo Financial Times dẫn lời quan chức Australia giấu tên tiết lộ, Canberra không có thỏa thuận nào với Bắc Kinh về dự án Cơ sở hạ tầng Bắc Australia.

Đây là dự án đầu tư nằm trong sáng kiến "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Hai bên không ký các biên bản ghi nhớ có liên quan về vấn đề này, do Australia lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ.

Thủ tướng TQ đến Australia sau 1 thập kỷ và cách Bắc Kinh gieo nghi kỵ cho đồng minh của Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (phải). (Ảnh: Phil Hillyard)

Đổi thay trong quan hệ Mỹ-Australia

Trong Bắc Kinh tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Canberra, quan hệ Washington-Canberra lại nảy sinh mâu thuẫn.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và có một cuộc điện đàm được giới quan sát đánh giá là "tồi tệ" với Thủ tướng Turnbull khi đề cập vấn đề nhập cư.

Hai nhà lãnh đạo bất đồng trong thỏa thuận về người tị nạn khiến hai bên đều cảm thấy không hài lòng. Cả hai thỏa thuận trên đều đã đạt được dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong bối cảnh này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến ​​thực hiện chuyến thăm các nước châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 4 tới, trong đó bao gồm Australia, nhằm tái khẳng định những cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh, và Mỹ sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào khu vực.

Mối quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ-Australia đã trở nên phức tạp hơn từ khi Trump đắc cử. Các cuộc thăm dò dư luận năm ngoái cho thấy 2/3 số người Australia được khảo sát chống lại việc Trump tranh cử, và cho rằng ông đắc cử sẽ đưa thế giới vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Những tiếng nói "nghiêng về Bắc Kinh"

Khi cả lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ lần lượt nỗ lực củng cố quan hệ với Australia, nội bộ Canberra đã xuất hiện các cuộc tranh luận rằng liệu có nên cân nhắc đặt ưu tiên thương mại và an ninh về phía Bắc Kinh.

Điều đó liên quan lớn đến chính sách ngoại giao cân bằng trong khu vực và mối quan hệ quân sự, kinh tế. Mỹ cùng Australia đã giữ mối quan hệ đồng minh an ninh trong nhiều thập kỷ. Mỹ cũng có nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng và lực lượng đóng tại Australia.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và thay thế Mỹ trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều song phương đạt mốc 105 tỷ USD, gần gấp ba lần so với thương mại Mỹ-Australia.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Stephen FitzGerald mới đây kêu gọi chính phủ đánh giá lại mối quan hệ với Mỹ, với lý do quan điểm của Trump về thương mại, di dân và các vấn đề khác gây khó chịu cho người dân nước này.

Tuy nhiên, có rất nhiều quan chức khác tin rằng Australia cần duy trì quan hệ đồng minh bền chặt cùng Mỹ.

Wall Street Journal dẫn lời cựu Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, ông Peter Varghese nói:

"Nếu không có quan hệ đồng minh này, chúng ta sẽ không an toàn như thế, sẽ buộc phải chi nhiều tiền hơn cho ngân sách quốc phòng và dễ dàng chịu áp lực từ các nước khác hơn."

Varghese tin rằng Canberra cuối cùng sẽ phải đối diện viễn cảnh Trung Quốc đang nỗ lực vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng thống trị khu vực châu Á. Theo ông, chính những nỗ lực này của Bắc Kinh có liên quan đến cốt lõi của liên minh với Mỹ.

Trong khi đó, việc nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào các dự án sáp nhập của Australia cũng gây ra tranh cãi. Nhiều ý kiến lo rằng việc đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên chiến lược của Australia sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tháng 8/2016, Bộ ngân khố Australia từ chối sử dụng mạng lưới điện quốc gia Trung Quốc và đơn xin đầu tư thuê cố định Công ty lưới điện Australia trong vòng hơn 99 năm với lý do tương tự.

Australia còn từ chối phê chuẩn doanh nghiệp Trung Quốc muốn thu mua lại giao dịch từ các trang trại chăn nuôi bò của nước này. Trước đó, Canberra bác bỏ một số khoản đầu tư được cho là có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.

Thủ tướng TQ đến Australia sau 1 thập kỷ và cách Bắc Kinh gieo nghi kỵ cho đồng minh của Mỹ - Ảnh 2.

Thủ tướng Trung Quốc, Australia chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận giữa hai nước tại Canberra hôm 24/3 (Ảnh: Xinhua/Pang Xinglei)

Bắc Kinh muốn tạo bất hòa?

Mark Thomson, chuyên gia phân tích kinh tế, quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia gần đây phát biểu trong một hội thảo ở Washington:

"Chúng tôi không muốn bát cháo này quá lạnh, điều này cũng có nghĩa là, chúng tôi không muốn Mỹ rút quân khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và chúng tôi cũng không muốn bát cháo này quá nóng. Cũng có nghĩa là, chúng tôi không muốn Mỹ đóng vai trò cứng rắn hay quân sự hóa quá mức trong khu vực."

Một số nhà phân tích Australia tin rằng dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh nỗ lực ly gián và tạo ra sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Canberra và Washington, nhưng trong một khoảng thời gian trở lại đây, Trung Quốc vẫn luôn tìm cơ hội để tạo ra sự bất hòa giữa các nhóm đối tác và các đồng minh tại Châu Á với Mỹ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời Ashley Townshend, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney nhận định: "Trung Quốc thường nói với những đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng Washington sẽ lôi kéo họ vào một cuộc xung đột, và sẽ không cung cấp cho họ những sự hỗ trợ, hoặc sẽ từ bỏ họ trong thời điểm khó khăn."

Ông Townshend bình luận, với những chính sách không thể dự đoán trước của chính quyền Trump hiện nay, Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng chứng minh những điều mà họ đã nói với Australia, Hàn Quốc, Singapore, Philippines và Indonesia là đúng.

Một số người cũng lưu ý rằng, một khi các vết nứt giữa Washington và đồng minh xuất hiện, Bắc Kinh sẽ tận dụng triệt để những cơ hội như vậy.

Trong năm cuối nhiệm kỳ của Obama, bởi tác động và ảnh hưởng đến từ lý do kinh tế và các yếu tố khác, đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là Philippines đã chuyển hướng sang Trung Quốc. Thái Lan và Malaysia cũng đang tiến gần Bắc Kinh - Ashley Townshend đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại