Theo Defense News, trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump thì Bộ trưởng tài chính kiêm Bộ trưởng Quốc phòng nước này - ông Arun Jaitley sẽ tới Moscow để hoàn tất các thỏa thuận vũ khí trị giá 10 tỷ USD hiện "đang bị đình trệ ở giai đoạn cuối cùng".
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, ông Jaitley sẽ "dàn xếp" các thỏa thuận vũ khí này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu tại Ủy ban liên chính phủ thứ 17 về hợp tác kỹ thuật-quân sự tại Moscow.
Các thỏa thuận vũ khí trị giá 10 tỷ USD đang trong giai đoạn thảo luận cuối cùng bao gồm: mua hệ thống phòng không S-400, mua 4 khinh hạm lớp Admiral Grigorovich và mua 200 trực thăng hạng nhẹ Kamov 226T theo khuôn khổ chương trình Make in India.
Ngoài ra, thỏa thuận thuê tàu ngầm hạt nhân thứ 2 từ Nga cũng sẽ được đề cập.
Quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một trong những trở ngại lớn giữa Nga và Ấn Độ - do tác động từ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga, liên quan đến các khoản bảo lãnh ngân hàng - đã được giải quyết.
Theo luật mua sắm của Ấn Độ, phía Nga phải cung cấp bảo lãnh ngân hàng thông qua một ngân hàng Ấn Độ có liên kết với một trong những ngân hàng hàng đầu của Nga. Tuy nhiên, các ngân hàng này đều đang phải hứng chịu biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, thỏa thuận cung cấp các khinh hạm lớp Krivak trị giá 5 tỷ USD giữa Nga và Indonesia vào tháng 10/2016 cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề bảo lãnh ngân hàng.
1. Trực thăng Kamov 226T
Nga và Ấn Độ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác sản xuất trực thăng Kamov 226T gần 2 năm trước nhưng tiến độ chương trình bị chậm.
Trực thăng Kamov Ka-226. Ảnh: Military Factory
Đầu năm nay, Nga và Ấn Độ hợp tác thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn trực thăng Nga-Ấn để sản xuất và lắp ráp 140 chiếc Kamov 226T. Trong tổng số 200 chiếc trực thăng, 60 chiếc sẽ được hoàn thiện tại Nga, 40 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ và 100 chiếc còn lại được chế tạo hoàn toàn tại Ấn Độ.
Nga cam kết với Ấn Độ chuyển giao công nghệ nếu tăng số lượng trực thăng.
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, ông Jaitley sẽ "trao đổi thẳng thắn" vấn đề trực thăng Kamov 226T trong chuyến thăm Moscow "ngay cả nếu điều đó khiến Ấn Độ được chuyển giao ít công nghệ hơn".
2. Tên lửa S-400 và tàu ngầm Akula-II
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Asian Defence News
Thỏa thuận mua các hệ thống phòng không S-400 trị giá 6 tỷ USD là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Jaitley. Thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp các hệ thống S-400 đã được Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi ký kết vào tháng 10/2016 tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ sẽ hoàn tất thỏa thuận thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ 2 từ Nga. Trước đó, vào tháng 4/2012, Hải quân Ấn Độ đã triển khai chiếc tàu ngầm Akula-II đầu tiên (INS Chakra) mà nước này thuê từ Nga với thời hạn 10 năm. Thỏa thuận bí mật trị giá 900 triệu USD đã được hai phía ký kết vào tháng 1/2004.
3. Tiêm kích thế hệ 5
Cũng trong chuyến thăm lần này, ông Jaitley sẽ thảo luận về chương trình hợp tác sản xuất tiêm kích thế hệ 5 (FGFA) đã bị trì hoãn một thời gian dài giữa 2 phía. Tuy nhiên, một quan chức từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này chưa đưa ra quyết định cụ thể nào.
Thỏa thuận FGFA được ký kết vào năm 2010 để hợp tác sản xuất máy bay thế hệ 5 cho Không quân Ấn Độ.
Mô hình tiêm kích FGFA được trưng bày tại triển lãm hàng không Ấn Độ 2013. Ảnh: Bharat Military
Theo nguồn tin, kết quả của chương trình FGFA đang được một ủy ban nội bộ của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cân nhắc. Hiện ủy ban này đang xem xét các vấn đề kỹ thuật, thỏa thuận phân chia công việc giữa Nga và Ấn Độ.
Ấn Độ đã nhập khẩu vũ khí và phụ tùng từ Nga kể từ những năm 1960. Thiết bị quân sự Nga hiện chiếm gần 60% trong kho vũ khí của quân đội Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều hệ thống trong số này đã cũ và cần được thay thế.