“Ngày nay, đất nước độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, chúng ta được sống cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc là nhờ có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương, trí tuệ, công sức, tài sản cho sự nghiệp cách mạng cao cả…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ như thế tại hội nghị biểu dương “Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc” diễn ra ngày 26-7.
Để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi!”
Tại hội nghị, Thủ tướng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các mẹ Việt Nam anh hùng, những người vẫn còn mang nặng trong lòng những đau thương, mất mát. “Từ đáy lòng, mọi người dân Việt Nam luôn tri ân và bằng tình yêu thương sâu nặng, luôn quan tâm chăm sóc, để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”...” - Thủ tướng xúc động nói.
Thủ tướng cũng bày tỏ khâm phục sự nỗ lực vươn lên của những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Điển hình như thương binh 2/4 Lê Hồng Quang (Giám đốc Công ty TNHH MTV Bao bì 27/7 Hà Nội), anh thương binh nặng Trần Hồng Quảng (Hải Phòng) được Nhà nước tuyên dương anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; anh thương binh Phạm Thanh Xuân năng động, sáng tạo, tạo việc làm cho hàng trăm lao động...
Trong những năm qua, theo Thủ tướng, Nhà nước quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công. Ảnh: TTXVN
Với sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, cùng với sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương giày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta...” - Thủ tướng nói.
Chăm lo tốt hơn nữa cho gia đình người có công
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.
“Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con anh dũng đã ngã xuống. Với những hy sinh mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất.
Chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu, làm hết sức mình, giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí, đồng bào. Đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.
Đã quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho hay năm năm qua đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ (trong đó từ Lào về là 16.613 hài cốt, Campuchia 15.148 hài cốt). Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, cơ quan chức năng đã xác định danh tính cho 3.423 liệt sĩ gửi tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, các cơ quan liên quan đã cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công, xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng, xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. ______________________________ 9.000.000. Đây là số người có công với cách mạng đã được Nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi. Trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, bệnh binh, hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học, hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến. |