Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Dự án còn giúp điều tiết hạ mực nước ở các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - TGĐ Trungnam Group (nhà thầu dự án), với vị trí địa lý giáp Biển Đông và các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, Vàm Cỏ Đông, TP HCM có hơn 60% diện tích đất thấp mực nước đỉnh triều và khoảng 70% diện tích nằm trên nền đất yếu đang bị lún nền nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều.
Khu vực khởi công dự án.
Nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều cường, bao gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, quy mô bề rộng cống từ 40 – 160 m; xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh khoảng 7,8 km đê kè ở các đoạn xung yếu.
Xây dựng các cống nhỏ có khẩu độ từ 1,0m – 10,0 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối và xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án.
Nhiều tuyến đường trung tâm của TP HCM như Kinh Dương Vương thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn và triều cường.
"Đây là công việc khổng lồ không thể triển khai ngay đồng loạt vì kinh phí để xây dựng toàn bộ Quy hoạch 1547 không dưới 3 tỷ USD.
Chính vì kinh phí lớn, vào tháng 3/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo Thủ tướng về rà soát Quy hoạch 1547 kết quả về lâu dài, Quy hoạch 1547 vẫn là phương án tốt nhất để lựa chọn. Vì vậy UBND TP HCM đã chia thành nhiều giai đoạn để kêu gọi đầu tư.
Thực tế có những cống ngăn triều (cống Thị Nghè), kè đã được xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả được minh chứng. Từ những lý do trên dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" (giai đoạn 1) được ra đời và triển khai", ông Tiến chia sẻ.
Phối cảnh dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" giai đoạn 1.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng –chuyển giao (BT), với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng nhưng nhà đầu tư cam kết thi công nhanh và rút ngắn thời gian còn 24 tháng để đáp ứng nhu cầu chống ngập cấp bách như hiện nay.
Bên cạnh đó, dự án sẽ phải giải tỏa hơn 300 hộ dân, hơn 1.500 người dân phải di dời.
"TP HCM phải là Hòn ngọc Viễn đông"
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của TP HCM và nhà đầu tư đã sắp xếp được nguồn vốn để khởi công dự án giai đoạn 1. Công trình này rất ý nghĩa đối với sự phát triển của TP cũng như đời sống người dân.
Thủ tướng nhận định, TP HCM là một TP lớn, thông minh và phải tỏa sáng, là "Hòn ngọc Viễn đông" cạnh tranh với những TP lớn khác của Châu Á như Kuala Lumpur hay Singapore.
Do vậy, công tác chống ngập là cấp thiết và quan trọng hiện nay giúp TP phát triển.
Theo Thủ tướng, dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên phải chú trọng các vấn đề khoa học công nghệ liên quan đến khảo sát, thiết kế dự án để đảm bảo an toàn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công.
"TP và nhà đầu tư cùng các đơn vị liên quan cần tiếp tục làm rõ quy hoạch, cập nhật thông tin cần thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh. Phải mời các nhà khoa học, chuyên gia góp ý trước khi thực hiện các bước cần thiết để tránh tình trạng "công trình thủy lợi nước chảy ngược" không phát huy hiệu quả.
Các bộ ngành trung ương và TP có trách nhiệm giám sát, góp ý để hoàn thành dự án chống ngập này chứ không để nói dự án khởi công xong rồi… về luôn. Đặc biệt đây là dự án tái cấp vốn, cũng là ngân sách Nhà nước, là tiền của nhân dân.
Vì vậy công tác chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát cần đặt ra đối với dự án nửa tỷ đô la trong bối cảnh hiện này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý TP và nhà đầu tư phải đảm bảo an toàn lao động công trường cũng như chống ùn tắc, tai nạn giao thông trong thời gian thi công dự án. Trong công tác đền bủ giải phóng mặt bằng phải thực hiện nhanh và giúp người dân an cư lạc nghiệp.