Thủ tướng: Nợ công cao, nợ Chính phủ vượt trần, tiền trả nợ đã chiếm tới 26% thu ngân sách

“Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, áp sát mức trần quy định. Nợ Chính phủ 50,3%, đã vượt trần quy định... Chi trả nợ cả gốc và lãi chiếm 26% tổng thu ngân sách” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Báo cáo trước tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận:

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định.

Uy tín, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, nợ công đang cao, áp lực trả nợ lớn.

Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%.

Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.

Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Trong khi vay nợ lớn, việc sử dụng vốn đầu tư lại kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn.

Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).

Phản hồi về phát biểu này, ông Vũ Tiến Lộc – đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình hoan nghênh Thủ tướng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh. Ông Lộc nhìn nhận báo cáo của Thủ tướng đã thể hiện 2 cái “đầu tiên”.

Lần đầu tiên có thông tin chính thức từ Chính phủ về những vấn đề nhiều người tưởng rằng suôn sẻ. Và lần đầu tiên, vấn đề nợ công, nợ xấu – 2 vấn đề quan trọng nhất của quốc gia đc đè cập thẳng thắn trong báo cáo của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại