Không tranh thủ dịp Tết để biếu quà cấp trên
Sau 1,5 ngày diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã kết thúc sáng nay 31/12.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, còn khoảng gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, các địa phương không để thiếu hàng, kể cả thịt lợn, không được đẩy giá lên.
"Chúng ta lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, có chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa.
Chúng ta đặc biệt lưu ý đảm bảo an ninh trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết, những băng cướp ổ nhóm ảnh hưởng thì cương quyết dẹp bỏ. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công an có chỉ đạo quyết liệt để người dân an toàn hơn trong dịp Tết này", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương, theo chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng, không tranh thủ dịp Tết này để cấp dưới biếu quà cấp trên.
"Tất cả các cán bộ đều phải nêu gương và tất cả các cấp không phải chạy ra Hà Nội để mang quà biếu. Việc để xe ùn ùn tới các nhà lãnh đạo không phải là cái tốt mà ngược lại", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu ,Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT và các cơ quan có liên quan sẽ hoàn thiện ngay trong ngày mai để chiều mai hoặc ngày mùng 2 Thủ tướng sẽ ký được 2 Nghị quyết quan trọng 01 và 02.
Sau đó các địa phương và Bộ ngành có chương trình hành động để triển khai Nghị quyết ngay đầu năm, ngay quý 1, "không để nước đến chân mới nhảy, việc nay chớ để ngày mai".
Cũng theo Thủ tướng, qua báo cáo của các địa phương thấy có nhiều mô hình tốt, cách làm tốt, kỷ luật tốt. Còn bộ, ngành, địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục những tồn tại, yếu kém để vươn lên.
"Phải nâng thành khát vọng phát triển của Bộ, ngành, địa phương mình. Vai trò của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải được phát huy, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập", Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài thành tích đã đạt được, Thủ tướng lưu ý về các bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hoá DNNN chậm trễ, ô nhiễm môi trường… hay một số vấn đề bức xúc trong xã hội như ma tuý, ma tuý học đường.
"Cái hay của Hội nghị này là chúng ta đã mạnh dạn nêu ra những bất cập, yếu kém, đồng thời cũng đưa ra các biện pháp khắc phục. Không để tình trạng quý 1 chúng ta trở lại như cũ, lặp lại những bất cập, yếu kém chúng ta đã nói trong ngày 31/12 này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu quan điểm phải mở rộng thông điệp "không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế", bổ sung thêm thành "không đánh đổi môi trường, văn hoá và văn minh xã hội lấy kinh tế".
"Đó mới là kinh tế thị trường định hướng XHCN đích thực của chúng ta. Môi trường văn hoá bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Hội nghị nhấn mạnh nhiều đến kinh tế là đúng, vì có thực mới vực được đạo. Nhưng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hoá và văn minh xã hội. Có như vậy mới bền vững, người dân mới yên tâm.
Những xuống cấp về đạo đức thời gian qua khiến chúng ta đau lòng, vì thế chúng ta phải chuyển hướng mạnh mẽ", Thủ tướng yêu cầu.
Năm 2021 sẽ cải cách tiền lương cho cán bộ công chức
Trong phần phát biểu, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên mở đầu Hội nghị hôm qua (30/12).
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh 4 bài học được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra là kế thừa, phát huy các thành tựu đổi mới; lắng nghe ý kiến của bậc lão thành, chuyên gia; đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng để đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tư nhân; đổi mới khoa học công nghệ, giải phóng mọi nguồn lực phát triển.
Cùng với đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần văn hóa của người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước tự lực, hùng cường.
"Chính phủ tiếp thu và cụ thể hoá 5 nhiệm vụ ưu tiên mà Tổng bí thư nêu. Trong đó đáng chú ý là chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành thích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.
Đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương đã bước đầu có sự phát triển, các ngành, các thành viên Chính phủ không được chủ quan. Đừng cho rằng mình đã có nhiều thành thích, chưa đâu!", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm các vi phạm.
"Một số tỉnh, một số ngành, Bộ không giữ kỷ cương, kỷ luật, không nghiêm nên chủ trương rất nhiều nhưng thấm vào để ra sản phẩm vật chất, tinh thần cho xã hội chưa được nhiều, thậm chí bị kiềm chế.
Văn bản địa phương gửi lên mất 3-4 tháng không chịu trình ký, không chịu đề xuất giải pháp, né tránh, đẩy qua đẩy lại.
Bên cạnh đó, có vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam chứ không phải bình thường đâu. Địa phương sở này, sở kia vẫn đổ trách nhiệm cho nhau, cái gì có lợi cho Bộ ngành mình thì làm còn không có lợi thì không chịu làm. Do đó, phải xử lý vấn đề này", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi và cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức bằng việc tập trung nâng lương.
"Nói chống tham nhũng quyết liệt, đồng bộ nhưng chúng ta chưa nói cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức thì ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên các tỉnh, thành thu thì để lại 5% lo cải cách tiền lương, bộ máy… Cuối năm nay hoàn thiện thể chế để năm 2021 cải cách tiền lương cho cán bộ công chức", Thủ tướng nói thêm.