Hiện khả năng lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Nga bị dỡ bỏ là rất ít, tuy nhiên chuyến thăm của bà Merkel đã gửi đi một thông điệp rằng Đức, quốc gia chủ chốt trong Liên minh Châu Âu, sẵn sàng đối thoại với điện Kremlin.
Mục đích của chuyến thăm Nga của bà Merkel vẫn chưa được công bố, tuy nhiên rất có thể bà cùng ông Putin sẽ tập trung bàn về vấn đề Ukraine, cấm vận của EU, mối quan hệ thương mại và lo ngại rằng Nga sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội Đức sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.
Đức cũng là nước chủ tịch nhóm G20 trong năm nay và do đó bả Merkel sẽ phải gặp gỡ các thành viên trước khi cuộc họp thượng đỉnh diễn ra.
“Tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Thủ tướng Đức. Chúng tôi đang đợi bà ấy đến thăm vào ngày 2/5”, ông Putin nói với Thống đốc vùng Bavaria Horst Seehofer, người hiện đang có mặt tại Moscow. Ông Seehofer cũng xác nhận bà Merkel sẽ đến Nga vào thời điểm trên.
Nguyên thủ hai nước Nga và Đức đã gặp nhau nhiều lần kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, tuy nhiên đó chỉ là những cuộc gặp mặt bên lề các cuộc họp cấp cao. Lần cuối cùng Thủ tướng Đức đến thăm Nga là vào tháng 6/2013, khi bà Merkel đến thành phố St. Petersburg theo lời mời của ông Putin.
Quan hệ giữa Merkel và Putin ban đầu rất thân thiện, tuy nhiên tình hình trở nên căng thẳng sau khi Thủ tướng Đức trực tiếp chỉ trích Nga có những hành động bí mật tịa Ukraine.
Bà nói rằng lệnh cấm vận của EU, được áp đặt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga và cáo buộc Nga hỗ trợ quân nổi dậy miền Đông Ukraine xuất hiện, sẽ có hiệu lực chừng nào Nga không thay đổi hành vi của mình.
Bà Merkel đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ Liên minh Châu Âu đoàn kết và chấp nhận lệnh cấm vận, song bà cũng chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp ở Đức khi lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt này.