Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Thành công ít, thua thiệt nhiều

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có chuyến thăm Mỹ từ ngày 22 - 27/7/2024. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông kể từ sự kiện ngày 7/10/2023, khi Hamas tấn công Israel.

- Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu được coi là cơ hội để ông củng cố vị thế của mình ở Israel.

- Thủ tướng Netanyahu đã thành công trong việc thể hiện những điều ông muốn nói khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ về mối quan hệ bền chặt giữa Israel và Mỹ.

- Trong khi Thủ tướng Netanyahu phát biểu, các cuộc biểu tình đông đảo với sự tham gia của hàng nghìn người được tổ chức vây quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol.

Chuyến thăm này của Thủ tướng Netanyahu tới Washington thu hút sự quan tâm to lớn cả ở Israel lẫn trên trường quốc tế. Các cuộc gặp của ông Netanyahu với các nhà lãnh đạo Mỹ và đại diện của nhiều giới chính trị khác nhau theo truyền thống được coi là quan trọng để định hình đường lối kinh tế và chính trị trong tương lai của Israel sau kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Thành công ít, thua thiệt nhiều- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington DC, Mỹ, vào ngày 25/7/2024. Ảnh: Getty

Động cơ thúc đẩy Thủ tướng Israel thăm Mỹ

Cuộc chiến của Israel tại Gaza kéo dài 9 tháng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tel Aviv không những không đạt được mục tiêu của mình là tiêu diệt Hamas và giải thoát con tin, mà còn gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có với hơn 40 nghìn người Palestine bị giết, khoảng 80 nghìn người khác bị thương, trong đó phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người già, 1,9 triệu trong số 2,1 triệu dân Gaza phải bỏ nhà cửa ra đi. Gaza đang đứng trước nạn đói.

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi những người bị giam giữ với sự trung gian hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập bế tắc.

Tình hình Trung Đông tiếp tục leo thang căng thẳng, lôi kéo sự tham gia của các tổ chức ủng hộ Hamas chống Israel, trong đó có Hezbollah, Houthi và các nhóm thân Iran ở Iraq, Syria, thậm chí cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nội bộ chính trường Israel khủng hoảng sâu sắc chưa từng có. Thủ tướng Netanyahu bị phe đối lập, các quan chức cấp cao trong cơ quan an ninh và gia đình có người thân bị bắt cóc chỉ trích mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình chống chính phủ với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội đang lan rộng tại Israel. Họ cho rằng ông Netanyahu không chịu ký kết thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin là vì động cơ chính trị cá nhân, tìm cách duy trì quyền lực của mình.

Uy tín của ông Netanyahu trong nước và trên thế giới bị giảm sút mạnh. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy 72% người Israel muốn ông từ chức và đòi tiến hành bầu cử sớm. Trưởng công tố Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan đề nghị bắt giữ ông Netanyahu do phạm tội ác chiến tranh.

Tại Mỹ, cuộc tranh cử Tổng thống đang bước vào giai đoạn đầy kịch tính giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Cuộc chiến của Israel tại Gaza - một trong những vấn đề đang chia rẽ nội bộ nước Mỹ - chiếm phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử.

Đương kim Tổng thống Mỹ Biden - người ủng hộ nhiệt thành Israel - đã buộc phải rút khỏi cuộc đua do màn tranh luận thiếu thuyết phục trên truyền hình với ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa cuối tháng 6 vừa qua; và thái độ dè dặt của ông Biden trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào ngày 12/7, để nhường chỗ cho Phó Tổng thống Kamala Harris có quan điểm cứng rắn hơn đối với Tel Aviv.

Trong khi đó, ông Trump sống sót sau vụ ám sát hụt ngày 13/7 trở thành ứng cử viên sáng giá và có nhiều cơ hội trở lại Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Trump là người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã đưa ra “Thoả thuận thế kỷ” nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, công nhận việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan của Syria, đồng thời là tác giả của Hiệp định Abraham dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Ả Rập, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan.

Mục đích chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel

Trong tình hình như vậy, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu được coi là cơ hội để ông củng cố vị thế của mình ở Israel và là dịp để thể hiện bản thân là một chính khách được đồng minh thân cận nhất của Israel, siêu cường số một thế giới đón tiếp.

Thông qua chuyến thăm Mỹ, ông Netanyahu mong muốn tăng cường quan hệ với bất kỳ ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, tranh thủ sự ủng hộ của Washington và mở đường cho mối quan hệ bền chặt với các ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Kamala Harris.

Trước khi lên đường tới Washington, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: “Tôi sẽ cố gắng để giành được sự hỗ trợ của lưỡng đảng vốn rất quan trọng đối với Israel. Tôi sẽ nói với bạn bè của mình ở cả hai đảng rằng dù người dân Mỹ chọn ai làm tổng thống tiếp theo, Israel sẽ vẫn là một đồng minh mạnh mẽ và không thể thiếu được của Mỹ ở Trung Đông.”

Chính vì vậy, mục đích chính chuyến thăm của ông Netanyahu là phát biểu tại Quốc hội lưỡng viện Mỹ, gặp đương kim Tổng thống Biden và hai ứng cử viên là Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump, để đảm bảo sự hỗ trợ của Mỹ về tài chính, chính trị, kinh tế và quân sự đối với Nhà nước Do Thái không bị gián đoạn, bất chấp những căng thẳng gần đây giữa Tel Aviv và chính quyền Tổng thống Biden xung quanh cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Thành công ít, thua thiệt nhiều- Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Quốc hội Mỹ: Ảnh: Getty

Thủ tướng Israel phát biểu trước Quốc hội Mỹ

Tối 25/7/2024, Thủ tướng Netanyahu đã có bài phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ, trong đó ông nhấn mạnh sự chung vận mệnh giữa Israel và Mỹ. Ông nói: "Chúng tôi không chỉ bảo vệ mình, chúng tôi đang bảo vệ các bạn. Kẻ thù của chúng tôi cũng là kẻ thù của các bạn. Trận chiến của chúng tôi là trận chiến của các bạn, và chiến thắng của chúng tôi cũng là chiến thắng của các bạn."

Ông Netanyahu coi cuộc chiến ở Gaza là một cuộc chiến sinh tồn. Ông kêu gọi Mỹ đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự cho Israel để sớm kết thúc của cuộc chiến ở Gaza và ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Về tương lai của Gaza sau chiến tranh, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông muốn thành lập một “chính quyền dân sự ở Gaza do những người Palestine không tìm cách tiêu diệt Israel điều hành", mà không đề cập đến giải pháp hai nhà nước.

Thủ tướng Netanyahu cũng công kích mạnh mẽ Iran. Ông gọi Iran là mối đe dọa an ninh chính ở Trung Đông và trên thế giới. Ông cho rằng, mục tiêu chính của Iran không phải là Israel mà là Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng, Israel chiến đấu không chỉ bảo vệ cho mình mà còn cho cả nước Mỹ. Ông kêu gọi Mỹ tăng tốc cung cấp viện trợ quân sự cho Israel.

Ông Netanyahu ca ngợi Hiệp định Abraham do Mỹ khởi xướng nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập, đồng thời đề nghị thành lập một liên minh quân sự mới gồm Mỹ, Israel và các nước Ả Rập để đối đầu với Iran lấy tên là "Liên minh Abraham".

Gặp ba nhân vật chủ chốt của Mỹ

Ngay sau khi phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Netanyahu đã gặp Tổng thống Biden để thảo luận về cuộc chiến ở Gaza, việc thả con tin bị Hamas bắt giữ, cũng như kiềm chế Iran và các đồng minh của Teheran. Ông Biden khẳng định "cam kết chắc chắn của Mỹ đối với an ninh của Israel trước mọi mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, bao gồm Hamas, Hezbollah và Houthi."

Ngày 25/7/2024, Thủ tướng Netanyahu đã gặp Phó Tổng thống Harris - người nhiều triển vọng trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Bà Harris nói: “Đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Gaza. Chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ trước những thảm kịch này. Chúng tôi không thể im lặng trước những đau khổ của dân thường ở Dải Gaza.”

Bà Harris kêu gọi ông Netanyahu đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi những người bị giam giữ với Hamas, đồng thời bày tỏ cam kết đối với giải pháp hai nhà nước, trong khi người đứng đầu chính phủ Israel phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine.

Có thể nói, cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Netanyahu với bà Harris đã đánh dấu giai đoạn đầu tiên của sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Israel - Palestine, nếu bà Harris tham gia và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Thủ tướng Netanyahu cũng đã đến thăm cựu Tổng thống Mỹ Trump nhằm xoa dịu những căng thẳng mới nhất giữa hai người từng liên minh chặt chẽ với nhau trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trước đây của ông Trump.

Ngày 26/7/2024, Thủ tướng Netanyahu đã gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Cơ hội thắng cử của ông Trump đã hối thúc Thủ tướng Israel đến gặp ông nhằm đạt được cam kết của Mỹ tiếp tục ủng hộ Israel nếu ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới.

Sự ủng hộ của ông Trump là nhân tố hết sức quan trọng giúp ông Netanyahu duy trì quyền lực trong bối cảnh ông đang bị chỉ trích gay gắt và đứng trước áp lực của dư luận Israel đòi ông từ chức, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp mãn nhiễm và từ bỏ liên danh tái tranh cử của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, việc giành được thiện cảm của ông Trump không còn dễ dàng như trước. Mặc dù hai ông Trump và Netanyahu từng hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc đạt được Hiệp định Abraham, nhưng những năm gần đây đã xuất hiện một số bất đồng. Ông Trump không hài lòng khi Thủ tướng Netanyahu là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gửi điện chúc mừng chiến thắng của Tống thống Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Trump cho rằng Thủ tướng Netanyahu là người “cơ hội, không trung thành”, trong khi bản thân ông Trump đã làm nhiều việc cho Israel hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không nói liệu ông có tiếp tục ủng hộ gói vũ khí trị giá 3 tỷ USD mà Mỹ chấp thuận dành cho Israel hàng năm hay không, điều mà Thủ tướng Netanyahu tìm cách đạt được cam kết của ông Trump trong cuộc gặp này.

Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Thành công ít, thua thiệt nhiều- Ảnh 4.

Hàng nghìn người biểu tình vây quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol khi Thủ tướng Israel phát biểu. Ảnh: Getty

Thủ tướng Netanyahu bị phản đối mạnh mẽ

Các nhà quan sát cho rằng, nhìn chung, Thủ tướng Netanyahu đã thành công trong việc thể hiện những điều ông muốn nói khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ về mối quan hệ bền chặt giữa Israel và Mỹ. Đặc biệt, ông được các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa chào đón và hoan nghênh nồng nhiệt với nhiều tràng vỗ tay không ngớt khi phát biểu tại Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel cũng gặp phải sự chỉ trích của dư luận chính giới cũng như xã hội ngày càng tăng ở Mỹ. Một bộ phận quan trọng trong đảng Dân chủ đã chỉ trích và gây áp lực với ông Netanyahu, thậm chí còn ủng hộ ý kiến đòi ông từ chức. Cả Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Harris và ông Trump đều ủng hộ đồng minh Israel, nhưng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu trở lại bàn đàm phán, sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để đưa các con tin trở về nhà.

Đáng lưu ý, Phó Tổng thống Harris, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ, cùng với một số lượng lớn thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ gồm hơn 60 nghị sỹ đã tẩy chay, không đến nghe Thủ tướng Israel phát biểu.

Một ngày trước khi ông Netanyahu đến Washington, 7 liên đoàn lao động lớn đại diện cho hàng triệu công nhân Mỹ, gồm Liên minh Nhân viên Dịch vụ và Liên đoàn Công nhân Ô tô (UAW), đã ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Biden dừng viện trợ quân sự cho Israel, đồng thời chỉ trích việc Israel giết hại dân thường tại Dải Gaza, cũng như phản ứng thái quá của nước này đối với các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023.

Trong khi Thủ tướng Netanyahu phát biểu, các cuộc biểu tình đông đảo với sự tham gia của hàng nghìn người được tổ chức vây quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol. Họ mang theo các biểu ngữ ủng hộ Palestine, đòi Israel chấm dứt cuộc chiến tại Gaza và mô tả ông Netanyahu là "tội phạm chiến tranh bị truy nã”.

Cảnh sát đã phải xịt hơi cay và bắt giữ hơn 200 người để ngăn cản những người biểu tình tìm cách vượt qua hàng rào an ninh. Các cuộc biểu tình của người Do Thái cũng đã diễn ra ở Washington, cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hành động chưa đủ để cứu con tin và yêu cầu thỏa thuận ngay lập tức với Hamas để thả các con tin đang bị giam giữ.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel lợi bất cập hại. Ông Netanyahu đã phải rút ngắn lịch trình để trở về nước nhằm ứng phó với cuộc tấn công của nhóm Hezbollah từ Lebanon. 

Các nhà phân tích chính trị cho rằng không mong đợi bất kỳ bước đột phá ngoại giao lớn nào liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và việc thả những người bị Hamas giam giữ. Chuyến thăm Mỹ của ông Netanyahu cho thấy "không có kế hoạch khả thi" nào cho hòa bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại