Theo tờ Irish Independent, nhà dân túy này đã chỉ đạo Đảng Dân chủ Xã hội Smer của mình phản đối mạnh mẽ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, từng tuyên bố vào năm ngoái rằng ông sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung cấp vũ khí cho Kyiv.
Ông Fico nói: "Thà đàm phán hòa bình trong 10 năm và ngừng các hoạt động quân sự còn hơn để người Ukraine và người Nga tàn sát lẫn nhau thêm 10 năm nữa mà không có kết quả."
Theo truyền thống là một đảng thân phương Tây, Smer dưới sự lãnh đạo của ông Fico đã xoay trục trong chiến dịch tranh cử vừa qua theo hướng mềm mỏng hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, với việc Thủ tướng Fico kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì chúng đang khiến chi phí sinh hoạt của dân thường Slovakia tăng cao.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, ông Fico đã tận dụng những quan điểm trái chiều về lợi ích của NATO ở Slovakia, nơi chỉ có 51% người được hỏi cho rằng nên ở lại liên minh này nếu có một cuộc trưng cầu dân ý.
Theo một nghiên cứu khác, có tới 60% người Slovakia từ 25 đến 64 tuổi cũng muốn ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo Irish Independent, chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng Slovakia vào tháng 9/2023 của ông Fico đã làm dấy lên lo ngại về sự thay đổi quan điểm ở Bratislava trong việc ủng hộ Ukraine, vì người tiền nhiệm của ông là cựu Thủ tướng Ludovit Odor đã cung cấp cho Kyiv pháo tự hành, tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Ukraine và là nhà lãnh đạo đầu tiên gửi máy bay chiến đấu Mig-29 tới Ukraine.
Tuy nhiên, ông Fico cũng công khai lên án việc Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, đồng thời phản đối việc sáp nhập Crimea.
Sinh ra ở vùng tây bắc Slovakia vào năm 1964, ông Fico lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ Đảng Cánh Tả Dân chủ, đảng kế nhiệm của Đảng Cộng sản tại Slovakia vào năm 1992.
Sau khi chuyển sang Đảng Smer, ông Fico đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006 và lại giữ chức Thủ tướng Slovakia từ năm 2012 đến năm 2018. Vào thời điểm đó, ông Fico đã từ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra sau cái chết của nhà báo điều tra Jan Kuciak.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Thủ tướng Fico đã trở nên thân thiết hơn nhiều với Thủ tướng Hungary Viktor Orban – một nhà lãnh đạo thân với Tổng thống Nga Putin.
Theo Irish Independent, một hồ sơ gần đây trên tờ Politico cho rằng Thủ tướng Fico "ghét" Ukraine vì năm 2009 ông bị buộc phải đợi hơn 3 tiếng ở Kyiv để gặp người đồng cấp Ukraine về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Sau đó, ông Fico cảm thấy bất ngờ khi biết rằng các nhà báo đã được mời tham dự cuộc họp mà ông nghĩ sẽ là một cuộc gặp riêng tư, khiến ông Fico "tức giận", một người trong cuộc cho biết.
Sau khi bị từ chối ở Kyiv, Thủ tướng Fico đã bay tới Moscow, nơi Tổng thống Nga Putin trải thảm đỏ chào đón ông. Alexander Duleba - nhà phân tích chính sách đối ngoại người Slovakia - cho biết, kể từ thời điểm đó, Thủ tướng Fico "bắt đầu có quan điểm công khai chống Ukraine".
Tháng 3 năm nay, ông Fico cũng có xung đột công khai với Nigel Baker - Đại sứ Anh tại Slovakia, người đã đăng một tin nhắn video chỉ trích Thủ tướng Slovakia vì chỉ trích sự ủng hộ của các quốc gia thành viên EU đối với Ukraine.
Theo Irish Independent, trước khi ông Fico đắc cử Thủ tướng Slovakia, một nhà phân tích từng cho biết Slovakia là "một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine quyết liệt nhất trong NATO". Nhưng bây giờ dưới thời ông Fico, vị thế đó có vẻ không còn chắc chắn.
Ngày 15/5, Thủ tướng Fico đã bị thương nặng trong một vụ nổ súng xảy ra sau cuộc họp của chính phủ ở thành phố Handlova (phía tây Slovakia). Ông nhập viện trong tình trạng nguy kịch với nhiều vết thương ở ngực và bụng.
Phó Thủ tướng Slovakia Tomas Taraba sau đó nói với BBC rằng, Thủ tướng Fico đã qua cơn nguy kịch.
"Tôi rất sốc, nhưng may mắn là theo những gì tôi biết thì ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp. Tôi nghĩ ông ấy sẽ qua khỏi", ông Taraba nói.
Ông Fico đã tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật, nhật báo Dennik N đưa tin vào tối muộn ngày 15/5 (giờ địa phương).
Nghi phạm đã bị bắt giữ. Người này được xác định là nhà thơ 71 tuổi Juraj Cintula , được cho là không đồng tình với các chính sách của chính phủ.