Đức và Hà Lan vừa công bố chi tiết các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn diễn biến nóng bỏng.
Hà Lan cho biết họ đã đặt hàng 6 pháo tự hành DITA từ CH Czech, cũng như một số lượng không được tiết lộ các quả đạn pháo 152 mm, để viện trợ cho Ukraine - theo tờ Kyiv Independent.
Berlin cũng nói rằng họ đã bàn giao một gói thiết bị quân sự mới cho Kiev, bao gồm: 8 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 A5, 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 4 xe kháng mìn (MRAP), một hệ thống phòng không IRIS-T SLM, một hệ thống phòng không IRIS-T SLS, 6 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, cũng như máy bay không người lái (UAV) trinh sát, thiết bị rà phá bom mìn, hàng chục ngàn quả đạn pháo và các loại đạn dược khác.
Đức ban đầu còn do dự nhưng hiện đã trở thành đối tác tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine và chỉ sau Mỹ.
Berlin đã viện trợ Kiev khoảng 15 tỉ euro kể từ đầu xung đột, theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Scholz vẫn dội gáo nước lạnh vào "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky, đồng thời từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho đối tác.
"Berlin sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. Đức cũng không ủng hộ việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO" - Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.
Đài RT dẫn lời nhà lãnh đạo Đức lập luận rằng Liên minh châu Âu (EU) có trách nhiệm đảm bảo rằng xung đột ở Ukraine không trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Tuyên bố từ Thủ tướng Scholz diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Zelensky mới đây đã tiết lộ một số điểm về "kế hoạch chiến thắng". Trình bày trước quốc hội Ukraine, ông Zelensky thừa nhận rằng thành công của nó phần lớn phụ thuộc vào sự ủng hộ từ các đối tác phương Tây của Kiev.
Trong số những điểm được công khai có yêu cầu phải ngay lập tức kết nạp Ukraine vào khối NATO.
Kiev cũng muốn đồng minh phương Tây dỡ bỏ mọi hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.