Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành

Thái Hà |

Trong chuyến làm việc tại Trung Quốc ngày 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị 2 bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông.

*Thủ tướng hội đàm về viêc hợp tác đường sắt với Trung Quốc
*Triển vọng của đường sắt kết nối Việt - Trung
*Các dự án đường sắt tiêu biểu trong tương lai

Việt Nam và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực đường sắt

Chiều 24/6 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc. 

Tại buổi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 1.

Chiều 24/6/2024 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Lý Cường đã tán thành và đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cũng trong chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).

Tại cuộc tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trên nền tảng quan hệ chính trị rất tốt đẹp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Tháng 12/2023 vừa qua, Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 2.

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) Tôn Vinh Khôn. Ảnh: VGP Nhật Bắc

Ngoài ra, Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, nhất là tuyến kết nối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tại TPHCM.

Về phần mình, lãnh đạo CRRC khẳng định Công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt; bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.

CRRC rất coi trọng và sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực như đề nghị của Thủ tướng để góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), Thủ tướng đề nghị tập đoàn phát huy những kết quả hợp tác tại Việt Nam, tiếp tục đầu tư nhiều hơn, mở rộng hơn lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích Tập đoàn PowerChina tham gia nghiên cứu, hợp tác, tham gia các dự án đường sắt đã được lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới, chuyển giao các giải pháp, kinh nghiệm quản trị, công nghệ hiện đại, thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường sắt.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 3.

Lãnh đạo CRRC khẳng định Công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ tịch PowerChina Vương Tiểu Quân khẳng định PowerChina mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong phát triển lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị và năng lượng mới, điện gió (nhất là tại miền Bắc). 

Riêng trong lĩnh vực đường sắt, ông Quân cho biết Powerchina có kinh nghiệm phong phú, đã làm hơn 2.000 km đường sắt cao tốc, 800 km tàu điện ngầm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Tương lai xán lạn của đường sắt kết nối Việt - Trung

Năm 1992, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về Đường sắt biên giới và chính thức khai trương lưu thông hai cặp cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường với khổ ray 1.435mm và Lào Cai - Hà Khẩu với khổ ray 1.000mm vào ngày 14 tháng 2 năm 1996.

Kể từ đó, hàng năm, hai nước đều tổ chức Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung, nhằm giải quyết những khó khăn nảy sinh và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy hoạt động vận tải quốc tế và quá cảnh hàng hóa giữa hai nước cũng như đến các quốc gia khác.

Hai nước đã đồng thuận trong việc thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa đường sắt liên vận Việt - Trung cùng các đoàn tàu chuyên tuyến từ Việt Nam qua Trung Quốc tới châu Âu, đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa hai nước cũng như từ Á sang Âu.

Đường sắt hai nước cũng đang nghiên cứu việc áp dụng trao đổi dữ liệu điện tử trong liên vận đường sắt quốc tế nhằm tối ưu hóa việc vận tải và nâng cao hiệu quả tác nghiệp ở các cửa khẩu, đồng thời mở rộng hoạt động liên vận hàng hóa quốc tế.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam VNR đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng khối lượng vận tải hàng hóa quốc tế. Nổi bật trong năm 2023, hai nước đã mở thêm các tuyến vận tải quốc tế mới, từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần ở Bình Dương tới Trung Quốc và tuyến từ Thạch Gia Trang tại tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc tới ga liên vận quốc tế Yên Viên ở Hà Nội.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 4.

Chuyến tàu liên vận chở hàng hóa giữa 2 nước. Ảnh: VNR

Theo VNR, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng qua các năm và đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp.

Trong năm 2020, lượng hàng hóa qua các cửa khẩu đường sắt Việt - Trung đạt 864 nghìn tấn, năm 2021 là hơn 1,1 triệu tấn và năm 2022 là gần 1,3 triệu tấn. Dù gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung trong năm 2023, nhưng vận tải hàng hóa vẫn đạt hơn 600 nghìn tấn.

Những thành tựu này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa đường sắt hai nước trong nhiều năm qua, nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế, theo đại diện VNR.

Các mặt hàng vận chuyển từ Việt Nam đi Trung Quốc thông qua đường sắt rất đa dạng, bao gồm trái cây, nông sản, quặng... Ngược lại, từ Trung Quốc sang Việt Nam là nguyên vật liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị. Việt Nam cũng điều chuyển chè, cà phê, thực phẩm tới Nga và hàng may mặc, da giày tới châu Âu qua hệ thống đường sắt của Trung Quốc.

Đại diện ngành đường sắt Nam Ninh của Trung Quốc cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và việc mở luồng xanh, cùng các ưu đãi khác, chi phí logistics của đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc đã giảm, làm tăng sức cạnh tranh của dịch vụ và đáp ứng nhu cầu giao thương kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Nhờ việc liên tục cải tiến tổ chức và mạng lưới vận tải, tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc đã vận hành một cách hiệu quả, trở thành lựa chọn đáng tin cậy, an toàn và có giá cả phải chăng; thời gian vận chuyển từ ga Nam Ninh tới ga Yên Viên chỉ còn dưới 16,5 giờ, đạt hiệu quả tăng 65% so với trước.

Hành trình xuyên biên giới Việt - Trung tương lai sẽ gồm những tuyến đường sắt tỷ USD nào?

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ bằng ứng dụng AI Chat GPT

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng

Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới con số hàng chục tỷ đồng.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ bằng ứng dụng AI Chat GPT

Tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng

Tuyến đường sắt này hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dự kiến tổng mức đầu tư lên tới con số tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). Trong đó, TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung.

Loạt dự án đường sắt tỷ USD ở Việt Nam được đề xuất, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tán thành- Ảnh 7.

Ảnh minh hoạ bằng ứng dụng AI Chat GPT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại