Thủ tướng khảo sát dự án cảng Liên Chiểu
Ngày 1/9, trong chương trình công tác tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát, kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Cảng biển Liên Chiểu là dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư. Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án cảng gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022 đến nay giá trị khối lượng thi công hoàn thành đến nay đạt 67%, giá trị khối lượng hợp đồng tương ứng khoảng 1.770 tỷ đồng; cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.
Còn tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố, khởi công tháng 9/2023. Đến nay, giá trị khối lượng thi công hoàn thành đạt 33% giá trị khối lượng hợp đồng.
Khảo sát hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; đề nghị thành phố Đà Nẵng, các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan cần quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, nỗ lực lớn hơn nữa, thần tốc, hiệu quả hơn nữa, phấn đấu hoàn thành phần hạ tầng dùng chung và đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu trước 30/8/2025.
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường; quy hoạch tổng thể, lâu dài, chiến lược còn đầu tư có thể phân kỳ; chú trọng triển khai các dự án kết nối giao thông; huy động nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn lực của các nhà đầu tư.
Hàng loạt tập đoàn lớn quan tâm đầu tư Cảng Liên Chiểu
Về tình hình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bến cảng, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác cảng trong và ngoài nước có kinh nghiệm, năng lực tài chính đã liên hệ với các cơ quan chức năng mong muốn được tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến dự án Cảng Liên Chiểu, trong đó có Tập đoàn Adani của Ấn Độ, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản…
“Điều này để thấy rằng Cảng Liên Chiểu có ví trí rất chiến lược về mặt logistics. Vì vậy, mình phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thế nào để sức hấp dẫn của khu này tốt hơn”, Thủ tướng nói và cho biết, để triển khai dự án Cảng Liên Chiểu nhanh không chỉ dựa vào nguồn lực trong nước mà còn phải dựa vào nguồn lực bên ngoài.
Thủ tướng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật; tinh thần là lựa chọn một nhà đầu tư có phương án tốt nhất, chịu trách nhiệm chính, còn nhà đầu tư này có thể phối hợp với các doanh nghiệp khác để triển khai.
Thông tin thêm, Adani là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng; sở hữu 14 cảng biển tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay của nước này; là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ. Năm 2023, doanh thu tập đoàn đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận đạt khoảng 2,9 tỷ USD với 29.000 nhân viên trên toàn cầu.
Tập đoàn Sumitomo là một trong những tập đoàn bán lẻ và đầu tư hàng đầu Nhật Bản, hiện đang hoạt động trọng tâm trong các lĩnh vực sản phẩm kim loại, giao thông và xây dựng, cơ sở hạ tầng, truyền thông & kỹ thuật số, đời sống, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, năng lượng, hóa chất và điện tử. Sumitomo hiện có hơn 100 văn phòng tại 60 quốc gia trên thế giới, quy tụ hơn 900 công ty thành viên cùng 80.000 cán bộ nhân viên.
Dự án Cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu với tổng diện tích 450ha.
Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022.
Hợp phần B được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 48.304 tỷ đồng. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ước tính của UBND TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích kinh tế "khủng" từ thuế VAT và thuế xuất nhập khẩu như thu 4,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 17,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2040, và 25,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2050.