Thủ tướng đề nghị làm metro ngầm từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ, ông Phạm Nhật Vượng hồi đáp ra sao?

Thái Hà |

Thủ tướng cho rằng Chính Phủ cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn.

Công bố Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Về các định hướng, ưu tiên phát triển của TPHCM theo Quy hoạch, đến năm 2050, TPHCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

Quy hoạch xác định 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng lãnh đạo TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TPHCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp.

3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng thành phố Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.

9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TPHCM đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết thời gian tới yêu cầu TPHCM cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong ".

"Một trọng tâm" là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế. Việc huy động nguồn lực của Thành phố phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế.

Thủ tướng phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.

"Ba tiên phong", gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.

Để xây dựng đô thị TP HCM hiện đại, thông minh, Thủ tướng nhắc tới một số dự án, như Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ, kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất, mạng lưới đường sắt đô thị…

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và người dân, TP HCM sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, ngày càng phát huy vai trò, vị trí quan trọng, "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình" để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Đề nghị làm tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ 

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thủ tướng phát biểu tại hội nghị rằng: "Tôi có trao đổi anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng - PV) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TPHCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa".

Từ việc này, Thủ tướng gợi ý: "Mình phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn, tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch".

Được biết, CTCP Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ – công ty con của Tập đoàn Vingroup chuẩn bị triển khai Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trị giá 282.000 tỷ đồng từ tháng 4/2025, ngay cạnh siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 4,8 tỷ USD trong tương lai. 

Sở GTVT TP.HCM trước đó đã đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đô thị (metro) tại huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Vì vậy, tuyến tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM cho đến huyện Cần Giờ nếu được xây dựng sẽ là "bàn đạp" cho sự phát triển của 2 siêu dự án trên.

Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TP.HCM chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, quy mô đường Rừng Sác hiện tại sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng. 

Vì vậy, Sở GTVT TP HCM đã đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đô thị (metro) tại huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Tuyến metro này chạy dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè.

Với các công trình tương lai như vậy, Cần Giờ sẽ sớm trở thành Thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Từ đó, TPHCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á.

Thái Hà

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại