Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh 'kết nối cứng' với tỉnh của Trung Quốc có giao thương 36 tỷ USD với Việt Nam

Thái Hà |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy nhanh "kết nối cứng", nâng cấp "kết nối mềm" giữa Việt Nam và tỉnh này.

Nội dung chính

  • Thủ tướng đề nghị hợp tác kết nối cứng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về hạ tầng giao thông
  • Tăng cường kết nối mềm với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về cửa khẩu thông minh

Thủ tướng đề nghị tăng cường hợp tác phát triển với Quảng Tây (Trung Quốc)

Chiều 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lưu Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Hội đồng nhân dân) Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc nhân dịp ông Lưu Ninh thăm, làm việc tại Việt Nam. 

Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Lưu Ninh thăm Việt Nam sau khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Khu ủy Quảng Tây. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng động thái này thể hiện sự coi trọng cao của Quảng Tây đối với quan hệ hợp tác với các địa phương Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn hai bên nỗ lực tạo đột phá mới về hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác thực chất. 

Thủ tướng nêu đề nghị kết nối "cứng và mềm", tỉnh Trung Quốc giáp Việt Nam hồi đáp thế nào? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc) Lưu Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh "kết nối cứng" về đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, nhất là các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng kết nối với Quảng Tây, đồng thời thúc đẩy nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh.

Nhất trí với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, mở rộng và làm sâu sắc giao lưu hữu nghị với các địa phương Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giao thông cả đường bộ, đường sắt và đường biển phù hợp quy mô hợp tác kinh tế - thương mại hai nước. Hai bên cần phát huy ưu thế đặc biệt về vị trí địa lý để qua Quảng Tây kết nối sâu hơn với lục địa Trung Quốc, sang các nước thứ ba cũng như qua Việt Nam kết nối với các nước ASEAN.

Hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch thương mại giữa hai bên năm 2023 đạt trên 36 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ, Việt Nam duy trì 25 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Đầu tư lũy kế của Quảng Tây tại Việt Nam đạt trên 1,83 tỷ USD; việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được thúc đẩy.

Quảng Tây chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông toàn diện với Việt Nam

Là một trong hai tỉnh của Trung Quốc có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam, Quảng Tây có đường biên giới dài và sở hữu các cửa khẩu quan trọng như Hữu Nghị Quan (Hữu Nghị, Lạng Sơn) và Đông Hưng (Móng Cái, Quảng Ninh). Những cửa khẩu này là những tuyến đường thuận lợi kết nối Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Trong nhiều năm qua, nhờ lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Quảng Tây đã hợp tác chặt chẽ với các địa phương của Việt Nam để tìm tòi và đổi mới các mô hình phát triển, mở cửa khu vực biên giới, xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại bền chặt.

Hiện tại, số tuyến vận tải đường bộ quốc tế kết nối Quảng Tây với Việt Nam đã tăng từ 20 tuyến vào năm 2011 lên 30 tuyến. Số cặp cửa khẩu thông minh cho phép phương tiện vận tải đường bộ quốc tế thông hành cũng đã tăng lên 5 cặp.

Thủ tướng nêu đề nghị kết nối "cứng và mềm", tỉnh Trung Quốc giáp Việt Nam hồi đáp thế nào? - Ảnh 2.

Cửa khẩu Hữu Nghị Quan giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây. Ảnh: VGP

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Quảng Tây giai đoạn 2018-2030, sẽ có tổng cộng 13 tuyến cao tốc kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

Đến nay, 5 tuyến đã hoàn thành và Quảng Tây đang tiếp tục xây dựng thêm 8 tuyến cao tốc khác để kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu biên giới với Việt Nam. Đồng thời, địa phương này cũng đang đẩy mạnh kết nối đường sắt, đặc biệt là dự án xây dựng tuyến đường sắt Sùng Tả - Bằng Tường kết nối trực tiếp tới khu vực biên giới với tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam).

Hơn nữa, Quảng Tây cũng đã hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc thông tuyến tới Đông Hưng - thành phố biên giới với Việt Nam.

Thủ tướng nêu đề nghị kết nối "cứng và mềm", tỉnh Trung Quốc giáp Việt Nam hồi đáp thế nào? - Ảnh 3.

Đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng - Đông Hưng. Ảnh: People.cn

Tận dụng lợi thế là địa phương liền kề với Việt Nam, Quảng Tây đang hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông toàn diện bao gồm cả đường bộ và đường sắt, phát triển các cặp cửa khẩu thông minh, từ đó nâng cao khả năng phục vụ vận tải hành khách và giao thương hàng hóa, tạo nên hành lang kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việt Nam chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt nào kết nối với Quảng Tây?

Trong buổi làm việc với Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh, Thủ tướng cũng đã đề cập đến 2 tuyến đường sắt quan trọng kết nối Việt Nam với Quảng Tây đó là: tuyến Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Hai dự án này mới đây cũng đón nhận tín hiệu vui. Ngày 19/8, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có:

Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.

Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn

Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Lạng Sơn, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Dự án đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội

Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch và nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội từ Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ mở ra một tuyến mới nối cửa khẩu Móng Cái tới thủ đô Hà Nội, tạo động lực giao thương hàng hóa, xuất khẩu và phát triển du lịch.

Nếu tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội được đầu tư sẽ có chiều dài gần 280km. Việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại