Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ trực tuyến phiên thường kỳ tháng 3

Đức Tuân |

Hôm nay, 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 khi nền kinh tế đi qua quý đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn mới, sẽ đưa ra các quyết sách quan trọng mà người dân quan tâm.

Phiên họp được tổ chức với thành phần gọn và ứng dụng công nghệ thông tin để nhiều Bộ ngành, địa phương tham gia theo hình thức trực tuyến.

Bên cạnh công tác chống dịch, Chính phủ sẽ thảo luận, đánh giá cụ thể tình hình và bàn giải pháp trên các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề cấp bách cần phải được thực hiện triển khai ngay khi mà nhân dân cả nước đang trông chờ vào những quyết sách mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Trước tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, tăng trưởng của nước ta trong Quý I/2020 đạt 3,82% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ Quý I/2009).

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.

Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh.

Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông". Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung bàn về những vấn đề do dịch COVID-19 gây ra đối với sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam; làm thế nào để giảm thiểu những tổn thất về kinh tế và con người hay các gói hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, cũng như các vấn đề dài hơi hơn…

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại