Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở vùi lấp 3 CSGT tại đèo Bảo Lộc

B.Trân |

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân 3 cán bộ CSGT và 1 người dân bị vùi lấp tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng; yêu cầu các bộ, tỉnh Lâm Đồng tập trung khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc , tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở vùi lấp 3 CSGT tại đèo Bảo Lộc - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể 3 cán bộ CSGT bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc. Ảnh: Trường Nguyên

Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.

Những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân; đặc biệt ngày 30-7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) và 1 người dân bị vùi lấp.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn.

Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát bị nạn theo quy định; chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Đã tìm thấy thi thể 3 Cảnh sát giao thông

Trước đó, vào tối 30-7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 thi thể mất tích trong vụ sạt lở tại điểm chốt CSGT đèo Bảo Lộc.

Như Báo Người Lao Động thông tin, chiều 30-7, nhóm cán bộ thuộc Trạm CSGT Madaguoi – Phòng PC08 Công an tỉnh Lâm Đồng đang tuần tra kiểm soát tuyến đèo Bảo Lộc thì nhận thông tin chốt CSGT đèo Bảo Lộc (tại Km 103+300, Quốc lộ 20, nằm giữa đèo Bảo Lộc) có hiện tượng sạt lở.

Các cán bộ này trở về chốt CSGT đèo Bảo Lộc để di dời phương tiện, trang thiết bị thì bất ngờ lượng đất đá lớn từ phía trên chốt đổ ập xuống, vùi lấp 3 cán bộ CSGT và 1 người dân đến hỗ trợ di dời tài sản.

Danh tính các cán bộ CSGT mất tích sau vụ sạt lở gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi), thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi), thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) và 1 người dân tên Ngọc Anh. Tại hiện trường, một ôtô khách trong lúc lưu thông đến khu vực cũng bị xô văng ra khỏi đường, may mắn hành khách trên xe không bị thương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại