Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Chỉ thị được ban hành sau khi Thủ tướng có Quyết định số 19 ngày 17-6-2020 về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC.
Phải thực hiện xong trong năm nay
Chỉ thị 39 nêu rõ việc triển khai hệ thống thu phí ETC được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí; văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông; tiết kiệm chi phí xã hội. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí ETC bảo đảm tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định số 19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết định tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu ETC theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng xử lý nghiêm với lái xe cố tình vi phạm pháp luật, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí.
Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà cung cấp dịch vụ thu phí; chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) khi kiểm định ôtô.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông, bảo đảm liên thông, thuận lợi, an toàn.
Theo Quyết định 19, các trạm thu phí BOT đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí ETC. Các trạm thu phí chưa lắp đặt hệ thống ETC thì chậm nhất đến ngày 3-12-2020 phải chuyển sang thu phí ETC.
Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Bộ GTVT xem xét, quyết định việc duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức ETC và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; tạm dừng việc thu phí đối với các trạm chưa thực hiện việc thu phí ETC nếu do lỗi của nhà đầu tư.
Tiến độ đến đâu?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 1, có 44 trạm BOT đã thực hiện thu phí theo hình thức ETC. Tuy nhiên đến nay, cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ ETC. Chưa kể, tỉ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng cũng chỉ mới 20%.
Trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến thời điểm này, cơ bản các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc có lưu lượng lớn đã triển khai vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm).
Đối với các trạm BOT còn lại, Bộ GTVT đã đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để triển khai thực hiện, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2020.
Với 4 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, Bộ GTVT đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và thẩm quyền để sớm triển khai ETC đối với các tuyến cao tốc này.
Thay đổi thói quen dùng tiền mặt
Ông Phạm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 - Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cho biết tại trạm BOT Cam Thịnh, lưu lượng phương tiện sử dụng ETC đạt thấp, chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, trạm phải dành 1/3 làn xe hiện tại để phục vụ riêng cho ETC. "Việc sử dụng ETC chưa được quảng bá rộng rãi, phương tiện giao thông sử dụng ít gây lãng phí việc sử dụng làn đường" - ông Thưởng nhận định.
Theo ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (Cục Đăng kiểm Việt Nam), các đơn vị khai thác ứng dụng thu phí tự động thường xuyên bố trí và liên kết các trạm đăng kiểm để mời chào lắp đặt miễn phí. Tuy nhiên theo quan sát, rất ít tài xế mặn mà.
Lý giải thêm, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM), cho biết hiện nay, các nước trên thế giới bắt buộc có tài khoản riêng dành cho lĩnh vực tham gia giao thông. Ở Việt Nam, việc kết nối cũng như các tiện ích nộp tiền vẫn chưa thuận lợi khiến tài xế e ngại.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chỉ ra rằng có nhiều lý do khiến số lượng phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ chưa nhiều: sự hợp tác giữa các bên chưa được chặt chẽ; xe dán thẻ thu phí cũng không hơn xe không dán thẻ; người dân có thói quen chi trả phí bằng tiền mặt; tính liên thông kết nối giữa các đơn vị với ngân hàng, nhà mạng rời rạc.
Cũng quan điểm này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng để thu phí ETC có sự thay đổi đột biến đúng như kỳ vọng, ngoài các giải pháp mang tính chế tài, cần có giải pháp thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán phí BOT của người dân.
Nên thống nhất 1 loại chip
Ông Nguyễn Như Cẩn, tài xế xe hợp đồng 16 chỗ, cho biết xe ông thường xuyên chở khách chạy tuyến TP HCM đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phải gắn đến 3 chip. Ông ví dụ nếu đi qua trạm BOT An Sương - An Lạc thì chỉ sử dụng chip VETC của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Nhưng khi vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây phải mua chip và tải phần mềm ETC của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
"Nếu muốn thật sự tiện ích thì chỉ nên sử dụng một loại chip và dành cho tất cả các trạm thu phí. Đằng này mỗi nơi ra một ứng dụng riêng với cách thức nộp tiền riêng. Vừa rối rắm vừa tốn thêm thời gian" - tài xế Cẩn nhận xét.