Chiều 21/4, tại thành phố Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Theo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm.
Tỉnh Lạng Sơn cũng phấn đấu đến năm 2030 có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc. Đến năm 2050, tỉnh sẽ có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Lạng Sơn trước hết phải khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch.
Tỉnh cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn. Trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc và xây dựng cửa khẩu thông minh.
Khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội trước năm 2030
Chỉ trong tháng 4, tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn đã từng được nhắc đến nhiều lần. Đầu tiên là trong thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hôm 8/4.
Cụ thể, tại thông báo mà văn phòng Chính phủ ra ngày 8/4, nói về không gian phát triển giao thông, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trong khu vực và liên kết vùng, rà soát, bổ sung, đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội; phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng).
Đặc biệt, thông báo nhấn mạnh "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc".
Tiếp theo là trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng trong ngày 8/4. Theo đó, tại buổi hội đàm với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Trung Quốc triển khai hiệu quả xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba qua tuyến đường sắt Á - Âu.
Ông Vương Đình Huệ cũng mong muốn hai bên phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Nghiên cứu hợp tác xây dựng một số dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạng Sơn.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có điểm đầu là ga Gia Lâm (Hà Nội) và điểm cuối ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Đồng Đăng là ga liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm) và có giá trị quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 23 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Cũng trong chuyến thăm và gặp gỡ lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng của Chủ tịch Quốc hội có ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC).
Chủ tịch tập đoàn CRCC cho biết tập đoàn đang có một số dự án hạ tầng triển khai tại Việt Nam và khẳng định tập đoàn tiếp tục sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.