Thủ tướng Campuchia nói về việc triển khai dự án kênh đào Funan
Báo Khmer Times cho hay, Thủ tướng Hun Manet cho biết chính phủ Campuchia có kế hoạch tổng thể rõ ràng, theo đó các đối tác phát triển dự phòng sẵn sàng tiếp quản dự án nếu một trong số họ không thành công.
Thủ tướng Campuchia nói kênh đào Funan đòi hỏi có quy trình triển khai phù hợp và không có trở ngại nào với quá trình triển khai siêu dự án này.
"Gần đây, tôi nghe thấy những thông tin rằng dự án kênh đào Funan Techo đã hết tiền. Làm sao họ có thể nói những điều như thế? Nếu chúng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, tôi có thể bỏ qua. Tuy nhiên, một số người cố tình truyền bá những thông tin sai lệch này với mục đích xấu", Thủ tướng Manet nhấn mạnh.
Ông Hun Manet nói rõ rằng nhóm công tác đang triển khai dự án một cách kỹ lưỡng, tuân theo các hướng dẫn rõ ràng để giảm thiểu tác động đến người dân ở cấp cơ sở.
"Các vị muốn chúng tôi hoàn thành kênh đào trong ba tháng hay sao? Bạn không thể khánh thành dự án hôm nay rồi ngày hôm sau lại triển khai ngay," ông Manet nhấn mạnh.
"Chính phủ cần xác định rõ quy trình, xem xét địa điểm và giải quyết tác động của dự án đối với người dân trước khi cho phép thợ đào kênh," ông nói, bổ sung rằng hiện nay là mùa mưa và mực nước đang dâng cao, khiến việc đào kênh ở một số khu vực trở nên khó khăn.
Thủ tướng Hun Manet đã quay sang Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Bân, người cùng tham dự sự kiện ngày 23/11, khi ông tái khẳng định sự hợp tác tài trợ giữa đôi bên - Khmer Times mô tả.
Vào ngày 22/11, Bộ Công chính và Giao thông vận tải Campuchia (MPWT) đã ra thông cáo báo chí bác bỏ thông tin của hãng Reuters và tờ Bangkok Post cho rằng dự án kênh đào Funan gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
"Nhóm công tác của dự án đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế, trái ngược với những gì đã đưa trong tin tức," MPWT nêu trong thông cáo, nhấn mạnh thông tin kể trên là "không đúng" và "không có căn cứ rõ ràng".
Reuters: Dự án Funan gặp khó về vốn do Trung Quốc "nghĩ lại"
Trước đó, Reuters hôm 21/11 dẫn 4 nguồn tin "trực tiếp tham gia hoặc được báo cáo về kế hoạch" của kênh Funan, tiết lộ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đã bày tỏ sự nghi ngại đối với dự án và chưa đưa ra cam kết chắc chắn về việc cấp vốn.
Campuchia ước tính dự án hạ tầng chiến lược kết nối sông Mê Kông ra Vịnh Thái Lan này sẽ tiêu tốn 1.7 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc dự kiến đóng góp khoảng 49% kinh phí.
Nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia, ông Seun Sam, nói với Khmer Times: "Tôi tin tưởng rằng chính phủ Campuchia có đủ ngân sách để tài trợ cho dự án trị giá 1.7 tỷ USD này, ngay cả khi không có nhà đầu tư nước ngoài. Campuchia có nhiều cơ chế nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và hoàn thành dự án này."
Theo ông Sam, chính phủ Campuchia cũng có thể thu hút các nhà đầu tư trong nước hoặc phân bổ một phần ngân sách quốc gia theo thời gian, thay vì phân bổ toàn bộ cùng một lúc. Ông nói thêm rằng cách tiếp cận này sẽ cho phép chính phủ sử dụng ngân sách quốc gia theo từng giai đoạn, tùy theo tiến độ phát triển của dự án.
Ông Sam chỉ ra rằng, theo quan điểm của chính phủ Campuchia, dự án Funan Techo có sự tham gia của cả nhà đầu tư Trung Quốc và các bên khác.
Trong khi đó, Reuters dẫn email phản hồi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi về dự án kênh Funan: "Đây là hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty Trung Quốc khi hỗ trợ Campuchia trong việc thăm dò xây dựng các dự án thủy lợi toàn diện theo các nguyên tắc thị trường."
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia là "tình hữu nghị son sắt".