Sáng 20/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề: “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh đến những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua.
Trong đó giá trị xuất nhập khẩu đã đạt quy mô gần 400 tỷ USD, xuất siêu của năm nay từ 3 đến 4 tỷ USD.
Nhấn mạnh vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng với nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, nếu không có dòng vốn này, nền kinh tế chưa đạt được trình độ quản lý và công nghệ, sản phẩm như hiện nay.
Hiện có 24.000 dự án với tổng mức đầu tư trên 320 tỷ USD. Riêng năm nay, vốn FDI giải ngân đạt 15-16 tỷ USD. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp FDI có chất lượng, xuất khẩu ra thế giới.
Hội nhập kinh tế quốc tế cũng giúp Việt Nam thu hút lượng lớn khách du lịch với 13-14 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, đưa du lịch trở thành ngành đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, mở ra nhiều thị trường mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thành quả ngoài số lượng phải nói về chất lượng, đó là chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành, một số sản phẩm đã được hình thành ở Việt Nam.
Lần đầu tiên năm nay chúng ta đã xuất khẩu rau, củ, quả vượt gạo, điều đó ít bao giờ có; hay đã vượt cả xuất khẩu dầu thô, một lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam trước đây.
Công nghiệp chế biến chế tạo trước đây chưa làm được thì bây giờ chúng ta đã có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, có thể nói là thủ đô của đầu tư thông minh.
Gần như chúng ta không tư duy nhận thức tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu sản phẩm, ngành sản xuất thì chúng ta thất bại. Bước đầu chúng ta đã đạt kết quả, mặc dù chưa phải quy mô rộng”.
Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, vấn đề cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập, kể cả phạm vi quốc gia và sản phẩm.
Bên cạnh đó, dù thu hút lượng vốn và doanh nghiệp FDI lớn, nhưng việc kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn bất cập, tồn tại.
Việt Nam cũng mới chỉ đứng trong nhóm 4 nước đứng đầu về môi trường kinh doanh của ASEAN, trong khi phải hướng tới nhóm 3 và phải hướng theo tiêu chí của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).
Thủ tướng: Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. |
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ ra nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương và của người dân, doanh nghiệp về hội nhập vẫn đang là vấn đề lớn. Chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ dẫn đến hành động chưa đủ quyết liệt.
Do đó, tại diễn đàn này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định chủ trương hội nhập của Việt Nam, đó là Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
“Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế và thực sự như vậy. Và hội nhập để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Cho nên việc tập trung tổ chức lại bên trong của nền kinh tế theo quan điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải cải cách mạnh mẽ bên trong về kinh tế để phù hợp với hội nhập kinh tế, từ việc tổ chức lại sản xuất, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu đến tái cơ cấu mạnh mẽ, thực chất nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, và nhất là tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành địa phương, chủ trương là vậy, nhưng nếu bộ máy trì trệ, chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước.
Do vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện để hội nhập quốc tế đạt kết quả.
Trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương; gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.
Cùng với đó là rà soát lại các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các cam kết FTA, để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, địa phương định kỳ báo cáo Chính phủ việc thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi một số địa phương chưa quan tâm và chỉ đạo việc này còn kém.
Nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và chúng ta phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Chúng ta tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế Việt Nam tự do phát triển, làm những việc pháp luật không cấm. Nhưng trước hết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, kinh tế tư nhân là một động lực cho nền kinh tế”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có chương trình hành động cần cải cách tốt hơn và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp có niềm tin.
Nhắc lại thành công của thương vụ bán cổ phần SABECO mang lại thành công lớn, một thương vụ lớn của châu Á, Thủ tướng cho rằng, điều đó thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian tới, tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, Thủ tướng cho rằng phải tập trung phát huy nội lực, một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế là tinh thần được phổ biến để vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội. Nhất là cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Nhân dịp này Thủ tướng kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ và hợp tác của các đối tác, cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ trân trọng các ý kiến mà các đại biểu quốc tế nêu ra, đóng góp cho Việt Nam tại Diễn đàn này.
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố; đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam...
Một số nội dung chính được thảo luận tại diễn đàn là “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra hiển lớn”; “Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế”; “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong hối cảnh hiện nay”./.