Sáng 21-3, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã dẫn đầu Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Mở đầu buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng cho biết trong tổng số 610 nhiệm vụ được giao, đã hoàn thành 510 nhiệm vụ. Với 100 nhiệm vụ chưa hoàn thành, có 95 nhiệm vụ trong thời hạn, 5 nhiệm vụ quá hạn.
Ông Mai Tiến Dũng cũng đã cho biết trước khi Tổ công tác xuống kiểm tra và làm việc với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt 9 vấn đề mà Thủ tướng lưu ý với bộ này.
Vấn đề thứ nhất là tình hình tai nạn giao thông (TNGT), tuy giảm 3 mặt về số vụ, số người chết, người bị thương so cùng kỳ giảm, nhưng tai nạn đường sắt tăng.
Chúng ta có nhiều đường ngang, không có rào chắn, không có bảo vệ… để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Thủ tướng đề nghị Bộ cần có giải pháp khắc phục để hạn chế TNGT.
Tiếp đó là các vấn nạn xe dù bến cóc, hay các xe lợi dụng sơ hở để biến xe hợp đồng thành xe dù chở khách trá hình, tạo ra lộn xộn, gây bức xúc.
Tình hình ùn tắc giao thông, phân luồng giao thông ở các đô thị lớn; tình trạng xe quá tải, quá khổ.
Ông Dũng cho biết trước đây có kế hoạch liên ngành GTVT và Bộ Công an có hiệu quả tốt trong kiểm soát xe quá tải, nhưng sau khi kế hoạch này bỏ thì tình trạng xe chở quá tải lại tái diễn.
“Có thể nói các trạm cân trên các tuyến hầu như bỏ ngỏ, thậm chí có tình trạng thanh tra giao thông bảo kê xe quá tải”-ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng đề cập tới các vấn đề sân bay hàng không; chất lượng công trình giao thông; dự án BOT và trạm thu phí; cổ phần hoá doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực, quản lý taxi.
Đặc biệt, về vấn nạo vét các luồng đường thuỷ nội địa đang là vấn đề gây bức xúc dư luận. “Vấn đề này các địa phương rất phản ứng.
Hôm qua (20-3), Thủ tướng có nói với tôi là đề nghị Bộ GTVT dừng lại việc cấp phép mà nên tính giao cho các địa phương quản lý và cấp phép”.
Ông Dũng cho biết trên dòng dông có rất nhiều cơ quan quản lý.
"Nếu nạo vét lòng sông thì do Bộ GTVT, nhưng quản lý tài nguyên như cát, sỏi, đá là thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường; quản lý nước là Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn".
"Thế nhưng khi cấp phép nạo vét lòng sông, các doanh nghiệp lợi dụng việc này để khai thác cát.
Khai thác, nạo vét ngay sát bờ làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy... thậm chí vừa rồi có chuyện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh còn bị đe doạ, gây mất ổn định an ninh trật tự và bức xúc ở địa phương.
Nó cho thấy việc khai thác cát trái phép đem lại lợi nhuận kinh khủng. Lỗ hổng này nếu không quản lý tốt sẽ gây thất thu rất lớn cho nhà nước”- ông Dũng nhấn mạnh.