"NATO đang giúp đỡ Ukraine nhiều nhất có thể. Nếu không có sự hỗ trợ của NATO, Ukraine sẽ không thể tự vệ lâu như vậy. Một số binh sĩ NATO ở đó. Có một số người lính ở đó, các quan sát viên, các kỹ sư", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 9/5.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan không nêu chi tiết về số lượng binh sĩ cũng như quốc gia gửi số binh sĩ này đến Ukraine.
NATO nhiều lần tuyên bố chỉ gửi viện trợ cho Ukraine. Và tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 tới đây, NATO có thể thảo luận về chính sách "không hiện diện binh sĩ trên bộ" ở Ukraine.
Phương Tây dồn sức viện trợ cho Kiev từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022. Mỹ là nhà viện trợ lớn nhất cho Ukraine, mới đây Washington quyết định phân bổ 61 tỷ USD cho Kiev đối phó Nga.
Theo Giám đốc CIA William Burns, nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây thì Ukraine có thể sẽ thua trên chiến trường trước thời điểm cuối năm nay.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần đề cập đến khả năng gửi binh sĩ NATO tới Ukraine để chống Nga. Tuy nhiên, phát biểu của ông từng gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu và giữa các đồng minh. Nhiều quan chức và chính trị gia EU cảnh báo ông rằng bước đi như vậy sẽ là thảm họa.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tham gia dàn lãnh đạo NATO phản đối kịch liệt quan điểm của ông Macron về gửi quân đến Ukraine, nhấn mạnh trên mạng xã hội: “Rõ ràng sẽ không có bộ binh từ các nước châu Âu hoặc NATO".
Nước Anh cũng cho rằng tuyên bố của Tổng thống Pháp là một ý tưởng "nguy hiểm". Ngoại trưởng Anh David Cameron phản đối việc phương Tây đưa quân tới Ukraine, ngay cả khi làm nhiệm vụ huấn luyện. Tuy nhiên, ông cho biết Anh vẫn sẽ gửi thêm vũ khí cho Kiev.
Về phía Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/5 nói tuyên bố của Tổng thống Pháp "rất nguy hiểm", cáo buộc ông Macron liên tục nêu ra khả năng “tham gia trực tiếp trên thực địa vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine”.