Bất chấp căng thẳng thương mại trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi hôm qua (22/9) đã được chào đón nồng hậu khi có chuyến thăm Mỹ, trước khi tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra trong tuần này. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Modi kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Ấn Độ.
Trái với những đồn đoán của dư luận, Tổng thống Mỹ hôm qua (22/9) đã mời Thủ tướng Ấn Độ tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tại bang Texas. Để thể hiện sự tôn trọng và tình cảm dành cho Ấn Độ, ông Trump đặt luôn tên sự kiện là “Xin chào Modi”. Đây được xem là một cử chỉ đầy thiện chi và là một buổi lễ đón tiếp khá đặc biệt mà Tổng thống Mỹ dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài. Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dành những ngôn từ nồng ấm cho Thủ tướng Ấn Độ khi phát biểu tại sự kiện:
“Tôi vô cùng xúc động khi có mặt tại Texas ngày hôm nay (23/9) cùng với một trong những người bạn lớn và trung thành của nước Mỹ - ngài Thủ tướng Ấn Độ Modi. Cả Ấn Độ và Mỹ đều hiểu rằng, để giữ cho các cộng đồng của chúng ta an toàn, chúng ta cần phải bảo vệ đường biên giới. Tôi xin cảm ơn mọi người đã có mặt tại đây và xin cảm ơn Thủ tướng Ấn Độ”.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết, Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung có tên Tiger Triumph vào tháng 11/2019. Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước quy tụ cả lục quân, hải quân và không quân tham gia. Đáp lại, ông Modi cũng dành những từ ngữ trang trọng để nói về quan hệ Mỹ - Ấn Độ cũng như quan hệ cá nhân giữa ông với Tổng thống Mỹ. Ông đồng thời kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn Độ bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử 2020.
“Từ giám đốc điều hành đến tổng tư lệnh, từ văn phòng đến phòng Bầu dục, Từ phim trường đến chính trường thế giới, ông Trump đều để lại dấu ấn và sự tác động ở mọi nơi. Khi lần đầu tiên gặp ông, tôi đã nói rằng, Ấn Độ đã có một người bạn thật sự tại Nhà Trắng”, ông Trump nói.
Giới phân tích nhận xét, việc mời Thủ tướng Ấn Độ tham gia sự kiện trên mang lại lợi ích cho cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ.
Đối với ông Trump, đây là cơ hội để ông xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn Độ, đồng thời cũng là một nỗ lực của ông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ấn trong cuộc chạy đua vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020 bởi bang Texas được xem là bang có số phiếu quan trọng để giành chiến thắng.
Còn đối với ông Modi, sự song hành với Tổng thống Mỹ và những gì ông nhận được từ ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ khiến ông giảm tránh được những lời chỉ trích quốc tế sau chính sách mạnh tay liên quan đến khu vực biên giới nhạy cảm Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan mới đây.
Dự kiến, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và các vấn đề tại phiên họp Đại hội đồng sẽ là những chương trình nghị sự chính của Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 1 tuần này. Chuyến thăm diễn ra chỉ gần 5 tháng sau khi ông Modi chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào tháng 5/2019 trong bối cảnh, ông đang phải chịu nhiều áp lực đối với các vấn đề trong nước và quốc tế, nhất là chính sách tại Kashmir và quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ.
Vào tháng 6/2018, ông Trump đã tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập. Đáp lại, Ấn Độ cũng cân nhắc biện pháp đáp trả thuế quan đối với hơn 20 mặt hàng của Mỹ, trong đó có sản phẩm nông nghiệp và hóa chất. Năm ngoái, Ấn Độ thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ. Còn doanh nghiệp Mỹ là nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại Ấn Độ./.