Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Ấn Độ Modi là nhà lãnh đạo thứ ba trên thế giới được đón tiếp ở mức cao nhất dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Yun Seok-yeol.
Ngoài các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống J. Biden, Thủ tướng N. Modi đã được mời đến phát biểu tại Quốc hội Mỹ.
Ấn Độ là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ
Năm 2022, tổng thu nhập quốc nội (GDP) danh nghĩa của Ấn Độ đạt 854,7 tỷ USD, được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 7% trong năm nay, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng gần 8%, đạt 128,55 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023, so với 119,5 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022.
Ấn Độ đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước tới nay, đạt 81,72 tỷ USD trong tài khóa 2020 - 2021, tăng 10% so với mức 74,39 tỷ USD của tài khóa trước, trong đó Mỹ là nước đứng đầu, chiếm 17,94%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020–2021, vốn FDI đổ vào nước này tăng mạnh do nhiều công ty nước ngoài chủ trương đa dạng hóa sản xuất để thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Điều này khiến Ấn Độ, với thị trường tiêu dùng rộng lớn, lao động tay nghề cao giá rẻ và môi trường kinh doanh thuận lợi, trở thành nước hưởng lợi chính từ chính sách Trung Quốc+1 (Trung Quốc+1 là một chiến lược kinh doanh gần đây được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng nhằm bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, thông qua việc mở rộng chi nhánh hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất của mình sang các nước khác trong khu vực).
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Về phần mình, theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Ấn Độ đã đầu tư hơn 40 tỷ USD và tạo ra hơn 425.000 việc làm tại Mỹ.
Ấn Độ đang phấn đấu mở rộng quan hệ với các nước, trong đó với Mỹ được quan tâm đặc biệt để tăng cường khả năng phòng thủ và trở thành một trong những trung tâm quyền lực của thế giới.
Trong khi đó, bằng việc tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự với Ấn độ, Mỹ hy vọng sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của New Dehli trong việc đảm bảo các lợi ích địa chính trị của Washington ở châu Á.
Các thỏa thuận hợp tác Mỹ-Ấn lớn chưa từng có
Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống J. Biden và Thủ tướng N. Modi đã ca ngợi một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Washington và New Delhi.
Ông J. Biden nói: “Quan hệ đối tác Mỹ -Ấn Độ ngày nay mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và năng động hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.” Hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược.
Về quốc phòng
Công ty General Electric (GE) và Công ty TNHH Hàng không Hindustan Aeronautics thỏa thuận hợp tác sản xuất động cơ phản lực F414 cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas. Ấn Độ và Mỹ cũng đã ký kết một thỏa thuận về việc Mỹ cung cấp 30 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian trị giá khoảng 3 tỷ USD cho Ấn Độ để sử dụng trong việc tuần tra các vùng lãnh thổ sát biên giới với Trung Quốc và khoảng một nửa trong số đó sẽ được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ.
Nhà máy General Electric ở Schenectady, New York, Mỹ.
Một thỏa thuận khác cho phép các tàu chiến của Hải quân Mỹ trong khu vực được sử dụng các dịch vụ và sửa chữa tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ ở các cảng Chennai, Mumbai và Goa để duy trì khả năng tiến hành các hoạt động chiến đấu tại một số vùng biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đây là các thỏa thuận mang tính bước ngoặt. Một trong những mục đích của các thỏa thuận này là nhằm tăng cường an ninh biên giới của Ấn Độ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp quân sự của Nga, vốn chiếm một phần đáng kể trong kho vũ khí của Ấn Độ, do Nga đang phải tập trung vào chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Về công nghệ
Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý hợp tác sản xuất chất bán dẫn, cung cấp các vật liệu quan trọng, viễn thông và trí tuệ nhân tạo tại bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Modi. Tổng đầu tư vào lĩnh vực này lên tới 2,75 tỷ USD và ước tính giúp tạo ra tới 5.000 việc làm trực tiếp và 15.000 việc làm liên quan trong 5 năm tới.
Công ty sản xuất chip điện tử Micron Technology của Mỹ sẽ đầu tư 825 triệu USD xây dựng một trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ, công ty Lam Research sẽ đào tạo 60.000 kỹ sư Ấn Độ thông qua nền tảng sản xuất ảo Semiverse Solution trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và phát triển lực lượng lao động.
Applied Materials, Inc. đã công bố khoản đầu tư 400 triệu USD để xây dựng một trung tâm kỹ thuật chung ở Ấn Độ.
Hai nước cũng đã công bố khởi động chương trình tài trợ trị giá 2 triệu đô la cho sự phát triển chung và thương mại hóa trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.
Trong lĩnh vực vũ trụ: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISPO) thỏa thuận hợp tác phát triển các chuyến bay vũ trụ có người và đào tạo phi hành gia Ấn Độ tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston.
Ấn Độ đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ lãnh đạo về thám hiểm không gian. New Delhi sẽ hợp tác với NASA trong một sứ mệnh chung tới Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2024.
Ấn Độ thi hành chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dựa trên nguyên tắc tự chủ chiến lược, tránh quan hệ đồng minh với các quốc gia khác, liên kết với một số nhóm nhất định phục vụ lợi ích của mình. Tăng cường quan hệ với Mỹ không có nghĩa là Ấn Độ sẵn sàng từ bỏ quan hệ truyền thống với các nước khác.
Điều này thể hiện rõ trong việc Ấn Độ quan hệ với các tổ chức đa phương khác biệt nhau như QUAD và nhóm I2U2 do Mỹ đóng vai trò then chốt, cũng như SCO và BRICS có vai trò quan trọng của Trung Quốc và Nga.
Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi)
Trong khi phát triển quan hệ với Washington, Ấn Độ không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga và vẫn tiếp tục hợp tác đa chiều với Moscow. Năm 2022, Ấn Độ đã mua dầu mỏ của Nga khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, cao gấp 33 lần so với năm 2021. Riêng trong tháng 3/2023, Ấn Độ nhập dầu thô từ Nga chạm mốc cao kỷ lục khoảng 1,64 triệu thùng/ngày.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ cũng đạt mức kỷ lục 39,8 tỷ USD trong tài khóa 2022 - 2023. Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ. Theo Bộ Công Thương Ấn Độ, năm 2023, kim ngạch thương mại Nga - Ấn Độ còn tăng nhanh hơn nữa. Chỉ trong quý 1 năm 2023, kim ngạch thương mại giữa giữa hai nước đã tăng 3,8 lần, đạt 21,8 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga tăng 4,2 lần, đạt 20,5 tỷ USD, xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga tăng 1,6 lần, đạt 1,3 tỷ USD.
Dù Ấn Độ có mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc, Trung-Ấn đã tổ chức 18 vòng đàm phán để chấm dứt tranh chấp biên giới. Ấn Độ vẫn là một đối tác lớn trong Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn, với tư cách là thành viên sáng lập và Ấn Độ có số lượng cổ phần có quyền biểu quyết lớn thứ hai sau Trung Quốc.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Mỹ và Ấn Độ có nhận thức chung về sự cần thiết phải kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhưng không nên nhầm lẫn giữa hợp tác chiến lược với liên minh lâu dài trong thế giới đa cực mà Ấn Độ đang muốn vươn lên thành một cực trong đó.
Những khác biệt giữa Ấn Độ và Mỹ
Mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ là nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại tốt hơn và vốn đầu tư phát triển cho Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới và vẫn được xếp vào nhóm các nước đang phát triển. Ông Modi đang được người Ấn Độ coi là nhà lãnh đạo xuất sắc đã và đang đóng góp cho sự phục hưng của đất nước, dẫn dắt Ấn Độ trên con đường trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ.
Bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm đưa Delhi vào liên minh của Washington, Ấn Độ trong quá khứ cũng như hiện tại, tiếp tục thực hiện chính sách của riêng mình, không ủng hộ cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các nước.
Ấn Độ là một trong những cường quốc hạt nhân đã liên tục bác bỏ áp lực của Mỹ và phương Tây đòi hỏi họ cắt đứt quan hệ thương mại và chiến lược với Moscow.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù giữa Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ và đã từng xảy ra các cuộc xung đột vũ trang ở khu vực biên giới, nhưng đến nay họ chỉ làm "công việc của mình" chứ không phải ủng hộ chính sách của Mỹ. Ấn Độ là thành viên của BRICS, SCO và vẫn giữ quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.
Thủ tướng N. Modi và hầu hết các chính trị gia Ấn Độ ủng hộ các cố gắng của Nga và Trung Quốc về thiết lập một thế giới đa cực thay cho trật tự đơn cực. Mặc dù là thành viên của Bộ tứ QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), nhưng Ấn Độ chưa bao giờ coi đây là một mặt trận quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Modi phát biểu tại Quốc hội Mỹ
Trong bài phát biểu kéo dài một giờ tại Quốc hội Mỹ, ông Narendra Modi nêu rõ "bất kể phe nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính nào cũng hoàn toàn không có chỗ cho sự phân biệt đối xử." Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lấn Ấn Độ là nền dân chủ "lâu đời nhất và lớn nhất".
Dù một số nhà lập pháp Mỹ đưa ra những chỉ trích Ấn Độ liên quan vấn đề dân chủ hay quyền con người, nhưng những người có mặt trong hội trường đã liên tục vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Tình hình này phản ánh rõ ràng cách tiếp cận khác nhau của giới chức Mỹ đối với nền chính trị của Ấn Độ.
Việc Thủ tướng Ấn Độ Modi được đón tiếp nồng nhiệt tại Mỹ, tuyên bố chung 58 điểm và những thỏa thuận hợp tác lớn đạt được trong chuyến đi bao gồm thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, giáo dục, khoa học và công nghệ, an ninh mạng, công nghệ cao, năng lượng hạt nhân dân sự, công nghệ vũ trụ và ứng dụng năng lượng sạch, môi trường, nông nghiệp và y tế... góp phần đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn phát triển mới.