Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô New Delhi, ông Modi phàn nàn chuyện những người tiền nhiệm của mình không muốn sử dụng vũ lực quân sự nhằm vào Pakistan. Theo nhà lãnh đạo này, ngay cả khi các chỉ huy quân sự yêu cầu hành động, giới lãnh đạo chính trị vẫn không chịu bật đèn xanh.
Ông Modi tin rằng Pakistan sẽ không có cơ hội nếu xung đột quân sự xảy ra với Ấn Độ dù cả hai nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi độc lập, hai nước Nam Á này có 3 cuộc chiến lớn và nhiều vụ đụng độ nhỏ. Hầu hết đều liên quan đến khu vực Kashmir đang tranh chấp. So về sức mạnh quân sự truyền thống, Ấn Độ tỏ ra vượt trội với 1,2 triệu binh sĩ trong lúc Pakistan chỉ có 560.000 quân.
Dù vậy, Islamabad được đánh giá cao hơn về vũ khí hạt nhân. Theo ước tính của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Pakistan có 140-150 đầu đạn trong khi Ấn Độ có lẽ chỉ sở hữu 130-140 đầu đạn hạt nhân.Dư luận lo ngại rằng một cuộc chiến toàn diện giữa 2 nước có thể gây ra thương vong thảm khốc và hậu quả nặng nề cho cả khu vực.
Tuy nhiên, phát biểu với giới truyền thông tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thị trấn Davos tại Thụy Sĩ vào tuần rồi, Thủ tướng Pakistan Imran Khan nhận định nước ông và Ấn Độ hiện không ở gần một cuộc xung đột. Ông Khan cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để ngăn căng thẳng hiện nay giữa hai nước leo thang.
Hai nước này tiến gần nguy cơ xảy ra chiến tranh vào tháng 2-2019 sau khi Ấn Độ tiến hành không khích khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Vụ không kích diễn ra sau khi một nhóm vũ trang đóng tại Pakistan sát hại hàng chục cảnh sát Ấn Độ tại khu vực Kashmir do New Delhi kiểm soát.
Khi đó, Ấn Độ biện hộ họ ra tay tấn công nơi ẩn náu của khủng bố. Tuy nhiên, Pakistan phủ nhận cáo buộc nước này chứa chấp các tay súng cực đoan và tiến hành các vụ tấn công trả đũa nhằm vào Ấn Độ.