Thủ tướng: 12h40 hằng ngày tôi luôn xem bản tin thị trường chứng khoán để có phản ứng chính sách kịp thời

Dy Khoa |

“Có lẽ không tuần nào, tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới thị trường chứng khoán, luôn theo dõi thị trường”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 ngày 28/2 và giao nhiệm vụ cụ thể các đơn vị liên quan để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Báo điện tử Chính phủ.

Tại đây, ông bày tỏ Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán.

Thủ tướng chia sẻ: "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới thị trường chứng khoán, luôn theo dõi thị trường. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột".

Thủ tướng: 12h40 hằng ngày tôi luôn xem bản tin thị trường chứng khoán để có phản ứng chính sách kịp thời- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Ảnh: VGP.

Theo Thủ tướng, khi có biến động, việc luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng là rất quan trọng.

"Chúng tôi luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới thị trường chứng khoán", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Ông nói mục tiêu thị trường chứng khoán Việt Nam thành trở thành thị trường mới nổi vào năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.

Vì thế, để thực hiện yêu cầu nâng hạng và lành mạnh thị trường, ông giao cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ ngành liên quan cần triển khai ngay chương trình hành động về thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Trọng tâm là rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin.

Chứng khoán là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam

Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết: Trong năm 2023, thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo bà Chân Phương, mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Thủ tướng: 12h40 hằng ngày tôi luôn xem bản tin thị trường chứng khoán để có phản ứng chính sách kịp thời- Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương khẳng định thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Ảnh: VGP.

Diễn biến thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói thêm.

Năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cũng khẳng định: Sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng: 12h40 hằng ngày tôi luôn xem bản tin thị trường chứng khoán để có phản ứng chính sách kịp thời- Ảnh 3.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi. Ảnh minh họa.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam đánh giá: Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

"Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy...", ông Ketut Ariadi Kusuma nói thêm.

“Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn không thể thiếu được ở một thị trường chứng khoán phát triển, đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, phát biểu tại hội nghị.

Ông Việt Quang nhận định: Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại