"Giải thể cảnh sát sẽ thực sự giúp chúng ta an toàn hơn". (Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ)
Phong trào Black Lives Matter (BLM) — bắt nguồn từ cái chết không đáng xảy ra của người đàn ông da đen không vũ trang, George Floyd, dưới bàn tay của cảnh sát — đã làm dấy lên lời kêu gọi "Giải thể cảnh sát" ở Mỹ. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2020, hàng triệu người đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình bạo lực thường xuyên phản đối vụ giết hại George Floyd, kêu gọi các thành phố giải thể sở cảnh sát.
Phong trào BLM cho rằng khi không còn lực lượng cảnh sát thì các vấn đề phân biệt chủng tộc, nghèo đói và tội phạm sẽ tự động biến mất như một phép màu. Họ đề xuất, để thay thế cảnh sát, các thành phố sẽ thuê các nhân viên xã hội, chuyên gia về sức khỏe tâm thần, ma túy và giáo dục để xử lý các tình huống vốn cần đến cảnh sát. Lý thuyết họ đưa ra là: Chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần là người giỏi nhất trong việc ngăn chặn bạo lực băng đảng ở các khu dân cư bởi họ chỉ cần có mặt để "chuyện trò nhẹ nhàng" làm dịu đi cơn hung hãn của những kẻ tội phạm.
Thay vào đó, khoản ngân sách dành cho cảnh sát sẽ được chi cho hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, các trung tâm cộng đồng và phát triển kinh tế ở các khu vực dân cư nghèo. Những chương trình này đã rất hiệu quả trong những năm qua, vậy tại sao không tăng kinh phí hoạt động cho họ. Ha ha….
Các nhà lãnh đạo thành phố, trong nỗi lo sợ sẽ xảy ra các cuộc bạo loạn quy mô lớn, bắt đầu nhượng bộ trước các yêu cầu của Phong trào BLM. New York cắt giảm 1 tỷ đô la từ ngân sách cảnh sát, Los Angeles - 200 triệu đô la, và thậm chí cả một thành phố nhỏ như Minneapolis, quê hương của George Floyd cũng cắt giảm 8 triệu đô la.
Tại các thành phố chậm cắt giảm, những người biểu tình của Phong trào BLM đã chống đối, lăng mạ cảnh sát đến mức nhiều người quyết định nghỉ hưu sớm, chuyển sang làm công việc khác hoặc nghỉ việc. Vậy là BLM đạt được điều họ muốn.
Nhiều thành phố cũng thực hiện những động thái phỉ báng cảnh sát thông qua việc không truy tố nhiều tội phạm hoặc thả tội phạm trước khi mãn hạn. Riêng những người có liên quan đến bạo loạn thì hiếm khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một số thành phố thành lập các ủy ban cảnh sát dân sự, bao gồm những người chống cảnh sát và những người ủng hộ công bằng xã hội để trấn áp các sở cảnh sát.
Chuyện gì có thể xảy ra với Phong trào Giải thể cảnh sát chứ? Chẳng cần phải là một giáo sư về xã hội học thì bạn cũng có thể hình dung ra được các hậu quả.
Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2020, ở Chicago đã xảy ra 329 vụ giết người, Los Angeles – 272 vụ, New York – 159 vụ, Baltimore – 134 vụ, Detroit – 129 vụ, và St. Louis – 107 vụ. Hàng nghìn người khác bị thương trong các vụ nổ súng. Các vụ giết người và xả súng vẫn tiếp tục diễn ra mà không có dấu hiệu suy giảm. Trước năm 2020, số vụ giết người đã giảm mạnh trong nhiều thập kỷ. Khoảng 100 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong năm 2020. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn.
Một điều trớ trêu là những người da đen sống trong các khu dân cư nghèo không kêu gọi giải thể cảnh sát. Họ hiểu hơn ai hết rằng nếu không có cảnh sát, các băng nhóm tội phạm bạo lực sẽ làm mưa làm gió tại nơi họ đang sinh sống. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh và các khu dân cư của người da đen luôn là mục tiêu chính của những kẻ bạo loạn, cướp bóc và đốt phá trong suốt mùa hè bạo lực vừa rồi ở Mỹ. Thật đáng buồn khi những kẻ bạo lực lấy danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của người da đen để huỷ hoại đất nước này.
Chúng ta cứ thử xem xét một khía cạnh thế này. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ đã phóng hỏa Lãnh sự quán Mexico ở Portland, Oregon vào tháng 11, không vì lý do gì khác ngoài việc chỉ để cho vui. Rõ ràng, những người này đã không nhận thức được một điều rằng người Mexico được coi là "người da màu", mà nhóm vô chính phủ lại tự xưng là đại diện cho họ, cho chính những người mà họ đang huỷ hoại.
Các cử tri ở Portland đã đưa ra một giải pháp tối ưu cho tình trạng vô chính phủ: bầu lại thị trưởng thay cho vị thị trưởng đã không cho phép cảnh sát bắt giữ những kẻ bạo loạn, cướp bóc và đốt phá, khủng bố thành phố hàng đêm trong suốt cả mùa hè vừa rồi.
Và người ta cũng có dịp thấy một chuyện nực cười: một trong những ủy viên hội đồng thành phố Minneapolis - chính là người đã bỏ phiếu để giải thể cảnh sát và hợp pháp hoá một số tội danh hình sự - đã gọi điện cầu cứu cảnh sát vì một kẻ tội phạm đã đột nhập vào nhà của bà ấy. Quả là một sự phơi bày của thói đạo đức giả: Chính người bỏ lá phiếu đòi giải thể cảnh sát và hợp thức hoá tội phạm là cũng là người cầu viện cảnh sát khi cần giúp đỡ.
Trước tình hình tội phạm tiếp tục hoành hành ngoài tầm kiểm soát, ban lãnh đạo của những thành phố ủng hộ giải thể cảnh sát đã nghĩ ra việc thay đổi lại cách nói: Giờ đây họ quay sang kêu gọi "điều chuyển ngân sách cảnh sát" với hy vọng rằng nhiều người Mỹ sẽ đủ "ngốc nghếch" để không nhận ra rằng "giải thể cảnh sát" hay "điều chuyển ngân sách cảnh sát" thực ra chỉ là trò "bình mới rượu cũ’ mà thôi. Và kiểu gì cũng luôn có cứu cánh: Cứ đổ hết mọi tội lỗi cho Donald Trump!
Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 vừa rồi, nhiều đảng viên Dân chủ thực hiện các chiến dịch tranh cử thiếu sáng suốt với cương lĩnh Giải thể cảnh sát. Đảng Dân chủ kỳ vọng rằng họ sẽ mở rộng quyền kiểm soát Hạ viện từ 35 ghế lên nhiều hơn nữa. Quả là sai lầm!
Lời kêu gọi Giải thể cảnh sát của phe Dân chủ đã không chiếm được cảm tình của cử tri cả nước, kết quả là, đảng Cộng hoà chỉ còn thiếu 10 ghế nữa là chiếm được quyền kiểm soát Hạ viện. Các nhà phân tích dự đoán rằng đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2022.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã vận động tranh cử trên nền tảng Chương trình nghị sự của Phong trào BLM, trong đó Bất công chủng tộc là vấn đề trọng tâm của nhiệm kỳ Tổng thống tới đây của ông. Một nửa trong số 500 nhân sự của Nhóm chuyển giao của ông Biden là những nhà hoạt động về công bằng xã hội.
Ảnh: Reuters
Nhưng hãy khoan! Còn hai sự kiện quyết định: Một là cuộc thay máu tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vừa rồi; Hai là cuộc đua sắp tới ở Georgia ngày 05 tháng 01 cho hai ghế Thượng viện: Nếu đảng Dân chủ giành được cả hai ghế, họ sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện và nắm toàn quyền lưỡng viện. Nếu đảng Dân chủ thua, đảng Cộng hòa sẽ tạo cản trở cho mọi động thái của Hạ viện, đảm bảo duy trì thế bế tắc tại Quốc hội.
Tại một "cuộc họp kín" với các nhà lãnh đạo Dân quyền vào tháng 12, những người tham dự được yêu cầu không đề cập đến việc Giải thể cảnh sát nữa, vì việc tiếp tục làm như vậy có thể khiến phe Dân chủ mất cả hai ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện tại Georgia ngày 5/1 tới đây.
Rất tiếc, Phong trào BLM đã không được mời tham dự cuộc họp này. Hiện nay, họ đang công khai gia tăng áp lực để Giải thể cảnh sát và tăng cường công bằng xã hội. Liệu xung đột này có đủ sâu sắc để gây ra sự rạn nứt giữa những người cánh tả và trung dung hay không?
Đây lại là một ý tưởng vĩ đại nữa của những đảng viên Dân chủ mới cùng dòng chủ đề với Giải thể cảnh sát: Tước bỏ quyền sở hữu vũ khí của người Mỹ, khiến họ không thể tự vệ. Ước tính hiện có khoảng 400 triệu vũ khí được được người Mỹ sở hữu. Dân số Mỹ là 340 triệu người.
Những người Dân chủ kêu gọi đưa ra "một chính sách kiểm soát vũ khí vì lợi ích chung", theo đó ý của họ là tịch thu vũ khí cưỡng ép. Điều này đi ngược lại quyền hiến định của người dân Mỹ được phép mang vũ khí. Nhưng những người này vẫn không bỏ cuộc.
Có lẽ việc tịch thu đã bắt đầu: Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá và Vũ khí và Chất nổ đang đưa ra quy định yêu cầu người dân phải đăng ký sở hữu một số loại vũ khí nhất định. Nếu làm được việc này, chính phủ sẽ có thông tin đầy đủ về những người thuộc nhóm đối tượng cần tịch thu vũ khí.
Như vậy, cách ứng phó của những người bảo thủ là Giải thể luôn Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá và Vũ khí và Chất nổ. Người Mỹ có nên giải thể toàn bộ cả hệ thống và xoá sổ mọi thứ không đây?
Nước Mỹ đang chờ lựa chọn Tổng chưởng lý mới, người sẽ đứng đầu Bộ Tư pháp. Nhiều nhà phê bình cho rằng nếu người được chọn là người ủng hộ công bằng xã hội và Thượng viện phê chuẩn ứng viên này thì nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh "những kẻ mất trí vận hành một trại tâm thần". Cảnh sát sẽ được cắt giảm tối đa, rất nhiều tội danh sẽ trở thành hợp pháp, nhà tù sẽ trống không, và người Mỹ sẽ mãi mãi hạnh phúc.
Thật là một viễn cảnh mà người Mỹ nóng lòng mong đợi.