Hai ngày trước, bộ phận công trình công cộng thành phố nơi tôi ở tại Canada cử hai người thợ đến để xem xét hệ thống nước thải của nhà tôi có được kết nối đúng cách với hệ thống thoát nước của thành phố hay không. Họ lo ngại rằng, nếu có lỗi kết nối thì nguồn nước tự nhiên có thể bị ô nhiễm bởi nước thải ra từ nhà dân.
Nếu nhận ra có vấn đề, họ sẽ sửa và dĩ nhiên tôi không phải trả một xu nào. Chính quyền thành phố sẽ chịu mọi khoản chi phí về việc sửa chữa hệ thống nước thải này.
Mẹ tôi tấm tắc khen: "Chính quyền này tử tế quá nhỉ!".
Tôi chỉ cười. Chính quyền thành phố tôi tử tế hay không thì là chuyện ta bàn sau, có điều chắc chắn họ hiểu rất rõ và quan tâm đến trách nhiệm của mình, nhất là trong những công trình liên quan đến nước.
Không muốn quan tâm cũng không được.
Tại những quốc gia dân chủ nói chung và Canada nói riêng, việc chính quyền bị kiện tụng và cuối cùng phải bồi thường (đôi khi những món tiền rất lớn) cho những thiệt hại về tài sản, đời sống kinh tế, tinh thần và (đôi khi) tính mạng của người dân - gây ra bởi các tai nạn như nguồn nước bị ô nhiễm và lụt lội-là việc xảy ra khá thường xuyên.
Có thể nêu một vài ví dụ:
Năm 2010, thành phố Stratford (Canada) phải trả 7,7 triệu dollars cho khoảng 800 hộ dân vì nhà cửa của họ bị hư hại sau một trận lụt lớn tám năm về trước. Khoản bồi thường này nằm ngoài số tiền 1,3 triệu dollars bồi thường khẩn cấp mà chính quyền đã trả cho cư dân ngay sau khi trận lụt xảy ra.
Tác giả Hải Lý - họa sĩ thiết kế đồ họa, sinh sống tại Canada.
Sở dĩ có việc bồi thường như thế là do tòa án cho rằng, chính quyền thành phố Stratford đã thất bại trong việc ngăn ngừa lũ lụt, mặc dù họ đã nhận được nhiều cảnh báo trước đó.
Những người đi kiện phải chứng minh tầng hầm của nhà họ bị ngập đầy nước và họ phải xử lý số nước thải lưu cữu.
Năm 2005, tòa án đã bắt thành phố Mobile (thuộc tiểu bang Alabama, Mỹ) bồi thường cho hai cụ Barbara Taylor và Dorothy Walker, do thành phố đã sơ suất trong việc bảo trì hệ thống thoát nước khiến ngôi nhà của hai cụ bị ngập lụt vài lần. Ngoài chuyện hư hại nhà cửa, hai cụ còn kiện thành phố về các thiệt hại tinh thần gây ra bởi những lần lụt ấy.
Cụ thể là có ba trận lụt, vào tháng 3/1999, tháng 3/2000, và tháng 01/2002. Trong cả ba trận, nước đã dâng lên cao ngang đến đầu gối trong sân nhà của các nguyên đơn. Ít nhất một lần, nước tràn vào nhà làm ướt thảm hoặc tràn ngập khắp trong nhà. Có bằng chứng rằng thảm và ván chân tường trong cả ngôi nhà đã bị hư hại.
Thường sau khi lên đến đỉnh, nước sẽ rút trong vòng 1-2 giờ. Hai trận xảy ra vào ban đêm, trận khác vào ban ngày. Walker sợ nước nên (không dám lội qua dòng nước) để rời khỏi ngôi nhà, nhưng con gái của bà đã phải lội nước để dời chiếc xe lên một ngọn đồi. Còn Taylor rời khỏi nhà, đến nhà anh trai để tránh lụt.
Cả hai nói rằng, họ đã mất ngủ bất cứ khi nào cơn mưa trở nên đe dọa, sợ hãi rắn hoặc các con vật khác có thể bò vào ngôi nhà, sợ bị thương hoặc chết đuối, sợ điện giật.
Một trong số hai người khai rằng, họ thường cắt các mạch điện chính hoặc tắt tất cả đèn trong nhà trong mùa mưa lớn để tránh rủi ro điện giật. Nhưng chính vì vậy mà trong một trận lụt, họ đã phải mò mẫm trong bóng tối để dời chiếc xe lên chỗ cao hơn.
Các tổn thương tinh thần này cũng được xem xét.
Gần đây nhất, mới vừa tháng trước (9/2016), các cư dân và doanh nhân của vùng Muskoka (thuộc tỉnh bang Ontario, Canada) đã đồng đơn kiện chính quyền Ontario và đòi bồi thường 900 triệu dollars cho những thiệt hại gây ra vì mực nước hồ dâng cao, dẫn đến lũ lụt.
Nguyên đơn cho rằng, bộ tài nguyên có trách nhiệm trong việc kiểm soát mực nước hồ, và chính sự quản lý tồi và sơ suất của họ đã khiến mực nước quá cao của hồ trở thành mối đe dọa.
Người dân sống ven hồ Muskoka, hồ Joseph và hồ Rosseau nói rằng, họ phải chịu thiệt hại nặng nề trong thời kỳ băng tan vào băng mùa xuân năm nay vì nước cao và băng trôi đã tàn phá bến cảng, nhà thuyền và tài sản của họ.
Sự việc còn đang tiếp diễn.
Đối diện với nguy cơ bị đòi bồi thường thường xuyên như vậy, trang web của các thành phố thường ra hẳn mục thông tin để người dân có thể tham khảo. Trong mục này nêu rõ thủ tục đòi bồi thường như thế nào, đơn nên gửi về đâu, những trường hợp nào thì thành phố sẽ bồi thường, v.v…
Hồ Rosseu (Canada) tháng 12/2012. Ảnh tác giả cung cấp
Trên trang web của thành phố Ottawa (Canada), liên quan đến vấn đề lụt lội, mỗi khi có yêu cầu bồi thường thì trước tiên đơn vị lo về bồi thường sẽ xem xét nguyên nhân.
Có lỗi thiết kế hay sơ suất trong quá trình xây dựng hệ thống thoát nước không, có sơ suất trong việc bảo trì hệ thống (ví dụ, không đúng với tiêu chuẩn công nghiệp đã được đề ra) không, hay là do hệ thống ấy không thể kham nổi một mực nước lớn nào đó, v.v…
Dĩ nhiên, nếu bên đòi bồi thường và chính quyền thành phố không đạt đến thỏa thuận thì tòa án sẽ cho câu trả lời cuối cùng.
Hãy thử tưởng tượng một thành phố nào đó ở Canada mà cứ sau một trận mưa (không cần lớn lắm) thì phố xá đã thành sông, nhà nhà ngập nước. Mọi phương tiện đi lại thông thường đều bị tê liệt, cư dân ở đâu thì ở chết dí nơi đó. Trường học, bệnh viện, cửa hàng đa số đều không thể hoạt động được.
Bạn nghĩ người dân ở đó sẽ phản ứng như thế nào?
Về phần mình, tôi chắc chắn không mấy những người dân ở đấy sẽ làm thơ, sẽ đặt nhạc chế, sẽ làm clip hài về một thành phố Venice bất đắc dĩ.
Tôi chắc chắn họ sẽ không chỉ than thở, cầu trời cho hết mưa hay thời tiết hết xấu đi.
Tôi chắc chắn các tờ báo sẽ đồng loạt nổi giận. Các luật sư sẽ vào cuộc. Những trận lôi đình sẽ được giáng xuống các cơ quan chức năng trong thành phố, đòi hỏi ít nhất phải là giải thích thỏa đáng, sau đó đến bồi thường thiệt hại và tiến hành những biện pháp khắc phục.
Một trận lụt tầm cỡ như ở thành phố HCM sẽ khiến chính quyền một thành phố tại Canada sợ xanh mặt. Người dân sẽ lên tiếng cho đến khi nào việc đó phải được giải quyết rốt ráo, phân định rạch ròi lỗi ở bên nào và được khẳng định trong tương lai không lặp lại.
Tờ The Star cũng nhắc đến một số thông tin thú vị khác liên quan đến việc đòi chính quyền thành phố bồi thường cho những thiệt hại không chỉ gói gọn trong vấn đề lũ lụt.
Tờ báo này cho biết, trong khoản thời gian 2000-2013, chính quyền thành phố Toronto (Canada) đã phải chi trả khoảng 200 triệu dollars cho những vụ đòi bồi thường từ tai nạn gây ra do cây cối trên đường, cho đến các vụ bắt bớ trái luật.
Cụ thể, có khoảng 640 vụ kiện tụng liên quan đến cách đối phó thời tiết xấu của chính quyền Toronto. Có một vụ chính quyền phải trả gần 440.000 dollars cho một đường xe chạy trên sân nhà bị đóng băng.
Liên quan đến các hoạt động của cảnh sát, Toronto đã phải bồi thường tất cả 256 vụ, tốn mất 27 triệu dollars cho những trường hợp cảnh sát lạm dụng bạo lực, bắt giữ sai trái và sơ suất trong việc điều tra.
Những trường hợp xe công bị lái ẩu hoặc gây tai nạn dẫn đến 186 vụ bồi thường, ngốn khoảng 22 triệu.