Trả lời phỏng vấn tờ Der Tagesspiegel tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrilyuk nói cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể kết thúc bằng việc “giải phóng hoàn toàn” và “khôi phục lại đường biên giới năm 1991”.
Theo vị này, chỉ khi đó Moskva và “liên minh” thân Kiev mới có thể ký một văn bản “tạo ra các cơ chế phòng ngừa để Nga không bao giờ nghĩ đến một cuộc chiến tranh khác chống lại Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào trong tương lai”.
“Tài liệu này phải bao gồm việc Nga từ bỏ vũ khí hạt nhân vì các mối đe dọa cho thế giới”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrilyuk cho hay.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Mikhail Podoliak, cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng cuộc đàm phán chỉ nên diễn ra khi Nga “chịu thất bại toàn cầu” hoặc ít nhất là loạt “thất bại về mặt chiến thuật”, buộc nước này “tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
“Thất bại toàn cầu là gì? Liên bang Nga sẽ không còn khả năng thống trị… sẽ không thể sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau đó là các điều kiện đối với vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tên lửa có tầm bắn nhất định và các vùng đệm xuyên biên giới,...", ông Mikhail Podoliak cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết Moskva khẳng định chưa bao giờ đóng cửa đàm phán nhưng chính Kiev đã làm vậy và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tham gia một số vòng đàm phán hòa bình kể từ đó, nhưng các cuộc đàm phán này đã đi vào bế tắc. Vào tháng 10/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh tuyên bố Kiev không thể tổ chức đàm phán hòa bình chừng nào ông Vladimir Putin còn là tổng thống Nga.
Vào tháng 11/2022, ông Zelensky công bố sáng kiến hòa bình 10 điểm - hay còn gọi là “công thức hòa bình”. Nội dung sáng kiến này bao gồm việc trao đổi tù nhân với Nga, đảm bảo an ninh cho Ukraine và quay trở lại biên giới trước năm 2014.
Mới đây, lên tiếng về đàm phán hòa bình với Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng lệnh ngừng bắn trong xung đột ở Ukraine sẽ không dẫn đến đối thoại chính trị và sẽ chỉ có lợi cho Moskva. Theo lãnh đạo Ukraine, bất kỳ sự tạm dừng nào cũng sẽ cho phép Nga tập hợp lại và tăng cường cung cấp đạn dược "và chúng tôi sẽ không mạo hiểm".
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 2 năm và dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều nước đang cân nhắc về việc tiếp tục bơm tiền, viện trợ quân sự để Kiev chống lại Moskva. Trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang rơi vào bế tắc, nhiều đề xuất hòa bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.