Thứ trưởng GTVT nói gì về việc xây ga ngầm có thể phá cảnh quan Hồ Gươm?

XQ |

Chiều 30.8, khi được hỏi về đánh giá của Bộ GTVT trước việc xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm sẽ làm mất cảnh quan đô thị và làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử Hồ Gươm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: "Về tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo, đây là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư.

Với vị trí ga thứ 9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, chúng tôi cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành.

Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn. Lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải…

Cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân.

Tuy nhiên có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VHTTDL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích.

Việc giải quyết phần này, theo tôi, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép".

Mới đây, bày tỏ quan điểm trên Lao Động, PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam nói: “Ở góc độ di sản, tôi lo ngại công trình giao thông này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu di tích quốc gia đặc biệt.

Nói việc xây nhà ga ngầm ở cạnh Hồ Gươm không vi phạm luật là không đúng. Vị trí xây nhà ga được xác định là khu vực 2, rất gần với Tháp Bút và Đền Ngọc Sơn.

Đây là khu vực cho phép những công trình được xây dựng với mục đích tôn tạo di tích. Nhưng ga tàu điện ngầm có phải là công trình tôn tạo di tích đâu?”

Theo ông, việc bất chấp tất cả để xây dựng ga điện ngầm sẽ mang đến những tiềm ẩn về rủi ro cho Tháp Bút và mực nước ở Hồ Gươm.

Ông cũng cho rằng, những người xây dựng dự án vẫn chưa tính toán hết được sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản khi tiến hành xây dựng một công trình giao thông lớn.

“Nếu sau này Hồ Gươm bị xâm phạm bởi ga tàu điện ngầm, ai sẽ chịu trách nhiệm về những tổn thất ấy? Tôn tạo là bỏ đi những cái sai để du khách có điều kiện tiếp cận cái đẹp, cái hay của di tích. Tuy nhiên, công trình giao thông này nằm ngoài phạm vi tôn tạo”, ông nhấn mạnh.

Theo tính toán của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cửa duy nhất ven Bờ Hồ sẽ có khoảng 5.000 lượt hành khách lên xuống mỗi ngày. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại