10 tháng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư...
Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có những đánh giá về mối quan hệ giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Xin Thứ trưởng có thể đánh giá khái quát về chuyến thăm này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Đây là cột mốc mới trên con đường hai nước thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung tháng 7/2015 trong chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối với phía Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Tổng thống Bush.
Đó là: Tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam; Tôn trọng Lãnh đạo Việt Nam. Tổng thống Obama đã gặp cả 4 Lãnh đạo cấp cao Việt Nam; Tôn trọng, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc - danh nhân được UNESCO tôn vinh qua việc Tổng thống Obama thăm Nhà sàn Bác Hồ.
Sự chủ động của Việt Nam trong triển khai chính sách với các nước lớn, các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ.
Trong vài năm qua, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao ta đều đã thăm Hoa Kỳ và tiếp xúc với Lãnh đạo Hoa Kỳ tại các diễn đàn đa phương, khu vực, tạo xung lực mạnh mẽ cho quan hệ. Chỉ 10 tháng sau khi Tổng Bí thư thăm Hoa Kỳ, hầu hết các lĩnh vực đều có tiến triển.
Đại sứ Ted Osius nói với tôi khi chuyên cơ sắp hạ cánh sân bay Nội Bài đêm 22/5: chuyến thăm Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến Tổng thống Obama quyết định có chuyến thăm này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội. (Ảnh: AFP)
PV: Trong chuyến thăm, được biết hai nước có một số thỏa thuận về tăng cường quan hệ giáo dục – đào tạo, trong đó Việt Nam đã cấp giấy phép cho trường Đại học Fulbright Việt Nam và cho phép tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh ở Việt Nam theo Chương trình Hòa bình.
Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của Hiệp định này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chương trình Hòa bình của Hoa Kỳ, viết tắt là PC, là một Chương trình lớn của Chính phủ Hoa Kỳ, được Quốc hội cấp ngân sách để thực hiện việc cử tình nguyện viên tới các nước trên thế giới với một chương trình phong phú, trong đó có dạy tiếng Anh.
Hiện có 141 quốc gia trên thế giới tiếp nhận chương trình này, trong đó ở khu vực có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…
Với Việt Nam, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải năm 2005, phía Hoa Kỳ đã đề nghị Chính phủ ta cho phép tình nguyện viên vào Việt Nam.
Trải qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên của PC vào dạy tiếng Anh ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam.
Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào…
Bước tiến quan trọng...
Xin Thứ trưởng cho biết nội dung chính của Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ thiết bị y tế và nhân đạo mà hai bên đã ký kết trong chuyến thăm?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Cái tên đã nói rõ nội dung của Ý định thư rồi. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về một địa điểm lưu trữ các trang thiết bị y tế, giường, lều bạt, thuốc men, dụng cụ cứu hộ phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, dịch bệnh...
Tuyệt nhiên đây không phải là căn cứ và không có sự hiện diện của nhân viên Hoa Kỳ.
PV: Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí tới Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc này của Hoa Kỳ?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Như các bạn đều biết, hơn 20 năm sau khi hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1995), sự tồn tại của một lệnh cấm vận – di sản của thời kỳ Chiến tranh lạnh – là điều bất bình thường.
Việc Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ như Obama nói trong cuộc gặp Lãnh đạo cấp cao ta là sự phát triển tự nhiên trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ.
Quyết định này cho thấy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được bình thường hóa với đúng nghĩa của nó, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên, trong đó có hợp tác quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Đối với Việt Nam, quyết định này đã giúp đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là hòa hiếu, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý.
Mục đích của nước ta tăng cường năng lực quốc phòng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phòng vệ là quyền chính đáng của các quốc gia được luật pháp quốc tế quy định rõ.
Tôi tin diễn biến mới này sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng kể khi nói lời tạm biệt ở chân cầu thang trước khi bước lên chuyên cơ Air Force One tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để rời Việt Nam, Tổng thống Obama đã đặt tay lên trái tim mình và nói:
"Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế", Thứ trưởng Ngọc kể lại.
Ông Ngọc cũng bày tỏ, ông cảm nhận, đó là tình cảm thực sự chân thành của Tổng thống dành cho đất nước, con người Việt Nam.