Liên quan đến việc Sở GTVT Hà Nội có đưa ra đề xuất cấm Uber, Grab tại 11 tuyến phố của Hà Nội, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức giao thông trên hệ thống đường, hạ tầng đô thị và Sở GTVT Hà Nội sẽ giúp thành phố làm việc này.
Loại hình Grab, Uber là loại hình vận tải ô tô chạy trên đường và có những tuyến phố cấm ô tô. Chúng ta đặt vấn đề cấm các loại hình này là phải công bằng giữa các loại phương tiện.
Bộ GTVT chưa bao giờ nói Grab, Uber không phải loại hình vận tải hành khách và đây loại hình là kết nối bằng công nghệ. Do đó, ở đây, cấm là cấm đơn vị vận tải chứ không cấm người cung cấp công nghệ kết nối vận tải.
Chúng ta không phân biệt đối xử xe này với xe kia và Hà Nội thấy cần cấm giờ này hay giờ kia là việc của Thành phố nhưng phải phù hợp với việc tổ chức giao thông của Thủ đô
Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ tổ chức giao thông hợp lý, có thể giờ này, mùa này cấm, giờ kia mở là chuyện rất bình thường", ông Đông nêu.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng trạm BOT Cai Lậy và giao Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo các phương án. Trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Chính phủ từ 17/1.
Theo Thứ trưởng Đông, Bộ GTVT đã đưa ra 4 phương án với các ưu điểm và hạn chế riêng, đều liên quan đến hợp đồng điều chỉnh và thời gian thu phí khác nhau. Ví dụ có phương án đề nghị dừng thu phí thì cần xem xét có nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian, cùng với đó, phải đàm phán với nhà đầu tư.
Với phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên QL1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác…
"Tất cả cái đó đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí 30%-100% cho phương tiện của một số xã lân cận, chúng tôi sẽ tính toán con số cụ thể để báo cáo Chính phủ trong vài ngày tới", Thứ trưởng Đông nói.