Phóng viên đặt câu hỏi về việc vừa qua có 2 cuộc kiểm tra môi trường của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Formosa, quan điểm của Chính phủ về 2 cuộc kiểm tra của 2 cơ quan khác nhau này.
Đồng thời, có hay không việc do kiểm tra của Bộ Công thương có vấn đề nên Bộ Tài nguyên và Môi trường phải vào cuộc.
Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, chuyện ở Formosa là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn nên sự vào cuộc của tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước là cần thiết.
"Với trách nhiệm của mình, Bộ Công thương cũng nỗ lực vào cuộc, chúng tôi thực hiện việc kiểm tra định kỳ. Riêng Bộ Công thương tổ chức 2 đoàn.
Đoàn 1 kiểm tra vận hành, hoạt động của Formosa có đúng quy trình, quy định mà Bộ Công thương phụ trách không.
Đoàn 2 tổ chức riêng kiểm tra việc sử dụng hoá chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Trước hết phải qua đăng ký của Bộ Công thương, khi có quyết định mới được phép nhập khẩu vào.
Cục hoá chất của Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, qua kiểm tra, cả năm 2015 và tính đến thời điểm này, Formosa đã nhập khẩu 384 tấn hoá chất, trong đó có 103 loại hoá chất, đã được đăng ký và nhập khẩu để sử dụng.
"Từ đầu 2016, Formosa được nhập khẩu 223 tấn với 43 loại hoá chất. Mục đích sử dụng là làm sạch bề mặt kim loại, hoá chất khử khuẩn, ổn định độ pH trong môi trường nước.
Đây là những hoá chất đã được phép nhập khẩu và được sử dụng theo đăng ký quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay dã sử dụng 51 tấn, còn tồn trong kho 248 tấn hoá chất", ông Hải thông tin.
Về việc Bộ Công thương cấp phép nhập các hóa chất đã tính mức xả thải của Formosa ra môi trường đến đâu, ông Hải cho hay, hiện nay như ngành y tế phải nhập khẩu những thuốc rất độc để chữa bệnh.
"Tương tự, có những hoá chất rất độc hại được nhập nhưng phải sử dụng theo đúng quy định, quy trình, Formosa cũng phải tuân theo các quy định về môi trường.
Việc Formosa có tuân thủ đúng hay không thì Bộ TN-MT đã có cuộc kiểm tra và sẽ báo cáo Chính phủ về việc này", ông Hải nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương giải quyết vụ việc, đảm bảo cuộc sống cho bà con ngư dân.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ về nguyên nhân, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường - là cơ quan phát ngôn về vấn đề này.
Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.