Thủ Thiêm không phải Dubai
Có ai không cười sung sướng khi dự án bất động sản của mình "bỗng nhiên mọc lên" giữa quỹ đất lẽ ra phải dành cho dân nghèo tái định cư?
Có một nhà đầu tư nào sẽ không cười thắng lợi nếu được giao làm những con đường với chi phí dát kim cương như ở Thủ Thiêm (11,9 km mà Đại Quang Minh công bố đầu tư tới 12.000 tỷ đồng)?
Con đường đó có thể xô đổ mọi kỷ lục về đường đắt nhất hành tinh.
Thủ Thiêm không phải là Dubai. Dân Thủ Thiêm chạy ăn từng bữa, sống trong những ngôi nhà cũ nát tan hoang, cũng không giống như dân Dubai ở cao ốc, đi xe sang và du lịch khắp thế giới.
Nhưng Dubai làm đường như thế nào? Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cho biết: Họ làm đường xuyên Emirates - một đại lộ với 12 làn xe, không hạn chế tốc độ, đẹp như lụa, tuổi thọ 50 năm, mà chi phí xây dựng chỉ hết 80 tỉ/ km (4 triệu USD).
Tại sao lại khóc, lại ngất?
Đọc những mẩu tin rao bán với giá đất khủng tại các dự án sang trọng ở Thủ Thiêm, sau đó nhìn đám nhà ổ chuột lở loét của dân nghèo bên cạnh, chúng ta đều có thể kết luận: Ai cười, ai khóc.
Nếu những lời cử tri trình bày hôm qua là đúng thì xin đừng hỏi tại sao họ khóc, họ ngất.
Có cử tri nào sẽ cầm được nước mắt khi khuôn viên nhà đất của họ bị thu hồi mà tổng số tiền bồi thường là 200.000 đ, chỉ bằng 4 tô phở sáng?
Có ai không ngất, khi thấy tiền đền bù 18 triệu/m2, doanh nghiệp bán lại hàng trăm triệu/m2?
Có ai không xót xa khi gầy dựng ngôi nhà gần 50 cây vàng, chỉ được đền bù 94 triệu, bị bắt phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư?
Có người nào không khóc, khi thấy ba mình, trước khi trút hơi thở cuối cùng, vẫn hỏi những đứa con nghèo tuyệt vọng: "nhà tôi đâu?"
Có người dân nào không uất ức, khi chính quyền đập nhà họ xong mà vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, khiến dân 10 năm nay vẫn miệt mài đến tòa đòi công lý?
Lỗ tai "đầy tớ" và tiếng kêu của "ông chủ"
Bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh), đã 77 tuổi. Người đàn bà Thủ Thiêm này đi khiếu kiện từ năm bà 64 tuổi. 13 năm ròng, bà đi gõ cửa nhưng tiếng gõ vô vọng ấy không giúp được bà nhận được hồi âm. Hôm qua bà Mỹ đòi quyền được nói: "Phải cho tôi nói, tôi sắp chết rồi, tôi cần phải nói".
Không chỉ có bà Mỹ, người dân Thủ Thiêm đã đi khiếu nại, khiếu kiện suốt bao nhiêu năm, tại sao đến hôm nay tiếng nói của họ mới chính thức lọt vào lỗ tai được mở rộng của người có trách nhiệm ở Thành phố?
Con đường nào, thế lực nào ngăn cản tiếng kêu oán vọng từ "ông chủ" lương dân đến được đôi tai những "đầy tớ" của họ?
PGS.TS. Erik Harms, Đại học Yale – một người Mỹ hay đến Việt Nam, đã viết trên Zing: "Rất nhiều bạn bè tôi ở Thủ Thiêm nói rằng họ sẵn sàng hy sinh. Họ sẵn sàng làm vậy vì họ yêu Việt Nam và yêu TP.HCM như mọi người dân khác. Nhưng những ai chấp nhận hy sinh cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
Thế nhưng thực tế lại ngược lại. Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại".
Theo Erik, một số người thực thi dự án Thủ Thiêm, đang nhìn một cách vô cảm vào dự án. Họ nhìn Thủ Thiêm như nhìn tấm bản đồ vô tri, chứ không nhìn nó như là mảnh đất lâu đời, có văn hóa, phong tục, tâm linh - nơi sinh sống của hàng chục ngàn số phận nghèo khó. Và những dân nghèo đó vẫn phải tiếp tục sống, kể cả khi có hay không có dự án.
Erik không đề cập đến một nguyên nhân cực kỳ quan trọng mà nguyên Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh, người giữ được 13 tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, đã nói thẳng: "đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm".
Chính cách nhìn vô cảm này và ma lực của đồng tiền của một số que củi, đã khiến cho tỉ lệ khiếu kiện về đất đai, đang tăng lên một cách đáng lo ngại.
Biến dạng quy hoạch, biến dạng nụ cười và nước mắt
Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái đã cung cấp những con số giật mình: Năm 2017, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân giảm so với năm 2016, nhưng số đoàn khiếu nại tố cáo đông người lại tăng tới 10,2%, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai.
Không chỉ có Thủ Thiêm, chẳng hiếm nơi trên đất nước này, đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch, biến dạng con người, biến dạng nụ cười và nước mắt.
Khi công trình mọc lên mà không làm lợi cho dân, ngược lại đẩy họ về phía bần cùng, thì dự án đó phải coi là thất bại.
Với con mắt của những người đốt lò, nơi quá nhiều vấn đề như Thủ Thiêm, chắc chắn ẩn chứa nhiều que củi.
Để lấy lại niềm tin của nhân dân, bảo vệ sự liêm chính của bộ máy, chắc chắn không thể để cho bè lũ củi thì vui cười, nhởn nhơ, phè phỡn trong khi lương dân phải rớt nước mắt vì cay đắng và bất lực.