Nhà khoa học Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay, tầm bóp được biết tới với nhiều tên gọi khác nhau như: lu lu cái, lồng đèn, thù lù cạnh, bôm bốp. Danh pháp khoa học của tầm bóp là Physalis angulata, thuộc họ Cà (Solanaceae).
Tầm bóp thuộc họ cây thảo mọc hoang quanh năm, cao 50 – 90 cm, phân nhiều cành. Thân cây có góc, thường rủ xuống. Lá mọc so le, hình bầu dục, chia thuỳ hoặc không, dài 30 - 35mm, rộng 20 - 40mm; cuống lá dài từ 15 - 30mm.
Hoa tầm bóp mọc đơn độc, có cuống mảnh, dài khoảng 1 cm, đài hình chuông, có lông, chia ra từ phía giữa thành 5 thuỳ, tràng hoa màu vàng tươi hay màu trắng nhạt, có khi điểm những chấm màu tím ở gốc.
Quả tầm bóp mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, có đài cùng lớn với quả, dài 3 – 4 cm, rộng 2 cm, bao trùm lên ở ngoài như cái túi, hạt nhiều hình thận.
Tất cả các bộ phận của cây tầm bóp đều được dùng làm thuốc.
Cây tầm bóp (Ảnh: Internet)
Đã có nhiều nghiên cứu công bố về thành phần hóa học trong cây tầm bóp. Toàn cây tầm bóp được chứng minh có chứa protein, carbohydrat, chất khoáng, các chất đắng physalin, flavonoid, tannin, alkaloid, carotenoid, phytosterol….
Tầm bóp được miêu tả đầu tiên vào năm 1753 có nhiều dược tính tốt cho sức khoẻ. Trên thế giới rất nhiều nước sử dụng tầm bóp là thuốc chữa bệnh. Ví như tại Ấn Độ, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu; lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, tầm bóp giàu vitamin C và B1, tiền tố vitamin A trong quả tầm bóp rất cao nên rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, một số nơi trên thế giới người ta dùng quả tầm bóp để ăn và là thuốc chữa bệnh Scorbut (tình trạng thiếu hụt vitamin C).
Ở Châu Phi, người ta dùng lá cây tầm bóp để ăn và chữa vết thương nhiễm trùng. Tầm bóp còn là "thuốc" phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu, viêm thận, sỏi thận, sỏi bàng quang.
Ở Trung Quốc, toàn cây tầm bóp được dùng để trị mụn nhọt, amip, bạch hầu, quai bị, viêm tinh hoàn….
Lương y Sáng cho hay, tầm bóp tại Việt Nam có rất nhiều nhưng ít được sử dụng dù có những dược tính tốt. Gần đây, rau tầm bóp được mọi người sử dụng làm rau ăn nhiều hơn. Còn quả tầm bóp do có mùi vị khó ăn nên ít được sử dụng.
Theo nghiên cứu y học hiện đại, trong 100g tầm bóp có: 49kcal; protein 1,5g; cacbohydrat 11g; đường 3,9g; chất béo 0,5g; chất xơ 0,5g; nước 81%. Tầm bóp còn có một số vitamin, khoáng chất như: vitamin C 28 mg; lưu huỳnh 6 mg; kẽm 0,1 mg; sắt 1,3 mg; natri 0,0005g; magiê 12 mg; canxi 12 mg; phốt-pho 39 mg; clo 2 mg…
Lương y Sáng cho biết theo y học cổ truyền, tầm bóp toàn cây có vị đắng, tính mát, không độc. Cây có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ đàm chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết (làm mềm chỗ rắn, làm tan chỗ kết).
Không chỉ cây tầm bóp có tác dụng chữa bệnh mà quả cũng có giá trị dược lý không kém. Quả tầm bóp có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, tiêu đờm. Quả Tầm bóp ăn chữa đờm nhiệt sinh ho, thuỷ thủng và đắp ngoài chữa đinh sang (mụn nhọt).
Quả cây tầm bóp có hàm lượng phytosterol cao (campesterol, β-sitosterol và stigmasterol) giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, tầm bóp thường được dùng cho các trường hợp trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc. Cách dùng: lấy 20-40g tầm bóp khô sắc uống.
Người bị mụn nhọt, mụn đinh: Dùng 40-80g cây tươi giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì dùng đắp; hoặc nấu nước rửa.
Tầm bóp là thứ rau dại ăn được không có tính độc có thể sử dụng chữa những bệnh đơn giản. Khi sử dụng tầm bóp, chuyên gia khuyên nên dùng rau, quả có nguồn gốc rõ ràng.