Thứ quả giúp hạ đường huyết, ngừa ung thư: Bí quyết trường thọ của người Nhật, VN có nhiều

Huyền My |

Đây là loại quả cực giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn e ngại không dám thử loại thực phẩm này vì vị đắng chát của nó.

Đây là loại quả cực giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn e ngại không dám thử loại thực phẩm này vì vị đắng chát của nó.

Mướp đắng có tên khoa học là Momordica charantia, là một loại quả non, mềm, ăn được, thuộc chi Momordica của loài dây leo. Về mặt thực vật, mướp đắng thuộc họ bầu, bí, trong chi Momordica và cùng họ với bí, dưa hấu, dưa đỏ, dưa chuột,....

Mướp đắng là một trong những loại rau củ ăn được truyền thống ở nhiều nước châu Á. Mướp đắng là một trong những loại rau củ chính của Nhật, chủ yếu được trồng và tiêu thụ nhiều nhất ở Okinawa, một trong năm vùng xanh có nhiều người sống thọ nhất thế giới.

Trên thực tế, mướp đắng là một trong những loại rau có vị đắng nhất trong tất cả các loại rau ẩm thực. Mặc dù vị đắng của nó có thể khiến một số người cảm thấy khó chịu nhưng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.

Giá trị dinh dưỡng của mướp đắng

Mướp đắng chứa nhiều chất xơ, canxi, magie, kẽm, sắt, carotene cùng nhiều loại vitamin và các loại khoáng chất nhưng lại chứa ít chất béo. Hàm lượng vitamin A, vitamin C và vitamin B1 trong mướp đắng cao hơn so với các loại rau thông thường.

Cụ thể, hàm lượng chất dinh dưỡng trong mướp đắng (tính trên 100g khối lượng) bao gồm:

- Năng lượng: 17 Kcal

- Carbs: 3,7g

- Protein: 1g

- Chất béo: 0,17g

- Chất xơ: 2,8g

- Vitamin B9 (Folate): 72 µg

- Vitamin B3 (Niacin): 0,4 mg

- Vitamin B5: 0,212 mg

- Vitamin B6 (Pyridoxine): 0,043 mg

- Vitamin B2: 0,04 mg

- Vitamin B1 (Thiamin): 0,04 mg

- Vitamin A: 471 IU

- Vitamin C: 84 mg

Hàm lượng chất điện giải trong mướp đắng gồm: Natri: 5mg; Kali: 296mg

Khoáng chất trong mướp đắng gồm: Canxi: 19mg; Magie: 17 mg; Kẽm: 0,8 mg; Sắt: 0,43 mg

Ngoài ra, mướp đắng cũng rất giàu chất dinh dưỡng thực vật, bao gồm: Beta Carotene: 190µg; Alpha carotene: 185 µg; Lutein-zeaxanthin: 170 µg.

Thứ quả giúp hạ đường huyết, ngừa ung thư: Bí quyết trường thọ của người Nhật, VN có nhiều - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Mướp đắng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.

Lợi ích sức khoẻ của mướp đắng

1. Tăng cường khả năng miễn dịch

Mướp đắng rất giàu chất dinh dưỡng, vitamin và các khoáng chất quan trọng đối với sức khoẻ đặc biệt là vitamin C. Trên thực tế, nửa cốc mướp đắng tươi chiếm khoảng 93% lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày của bạn. Trái cây càng non thì càng chứa nhiều vitamin C.

Hàm lượng vitamin C trong mướp đắng nhiều gấp đôi so với cam quýt (100g múi cam, quýt chỉ có 40mg vitamin C). Vì vậy, ăn mướp đắng thường xuyên có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể ngăn ngừa và chống lại bệnh tật.

2. Ổn định đường huyết

Mướp đắng có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học được gọi là saponin và terpenoid. Các hợp chất này tạo ra vị đắng của rau, nhưng cũng có thể đóng một vai trò trong việc giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Các saponin và terpenoid trong mướp đắng có thể giúp di chuyển glucose từ máu đến các tế bào, đồng thời giúp gan và cơ của bạn xử lý và lưu trữ glucose tốt hơn.

Thứ quả giúp hạ đường huyết, ngừa ung thư: Bí quyết trường thọ của người Nhật, VN có nhiều - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Các chất dinh dưỡng trong mướp đắng giúp hạ đường huyết, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường

3. Hỗ trợ giảm cân

Mướp đắng có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ. Chất xơ được tiêu hoá tương đối chậm và sẽ giúp bạn có cảm giác no lâu hơn, từ đó làm giảm cảm giác đói và thèm ăn. Vì vậy mướp đắng là loại thực phẩm thích hợp để thêm vào chế độ ăn kiêng.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mướp đắng có thể có tác dụng hữu ích trong việc đốt cháy chất béo và giảm cân.

4. Phòng chống ung thư

Các nghiên cứu cho thấy mướp đắng có chứa một số hợp chất có thể phòng chống một số căn bệnh ung thư.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy chiết xuất mướp đắng có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, ung thư ruột kết, ung thư phổi và ung thư vòm họng.

Một nghiên cứu khác trên ống nghiệm cũng có những phát hiện tương tự rằng chiết xuất mướp đắng có thể ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư vú, đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này được thực hiện bằng cách sử dụng một lượng đậm đặc chiết xuất mướp đắng trên các tế bào riêng lẻ trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định xem mướp đắng có thể tác động đến tế bào ung thư khi sử dụng với liều lượng bình thường hay không.

Thứ quả giúp hạ đường huyết, ngừa ung thư: Bí quyết trường thọ của người Nhật, VN có nhiều - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất từ mướp đắng liều cao có thể ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.

5. Giảm cholesterol trong máu

Mức độ cholesterol cao có thể tạo thành các mảng bám tích tụ trong lòng động mạch, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mướp đắng có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu trên những con chuột có chế độ ăn nhiều cholesterol đã cho kết quả rằng việc sử dụng chiết xuất mướp đắng đã làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL “xấu” và triglycerides trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng khi cho chuột sử dụng chiết xuất mướp đắng liều cao có thể giúp giảm đáng kể mức cholesterol trong máu..

Tuy nhiên, đến nay, các nghiên cứu về khả năng giảm cholesterol của mướp đắng chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật sử dụng chiết xuất mướp đắng với liều lượng lớn. Vì vậy, ta vẫn cần có các nghiên cứu bổ sung để xác định xem sử dụng mướp đắng trong chế độ ăn bình thường có thể đem lại lợi ích trên hay không.

Đối tượng không nên ăn mướp đắng

1. Mướp đắng là thực phẩm có tính hàn nên những người có tỳ vị hư nhược thì không nên ăn nhiều mướp đắng, nếu không có thể bị nóng rát thượng vị, chướng bụng và đau bụng, thậm chí có thể bị nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác. .

2. Người đang mang thai tốt nhất không nên ăn mướp đắng, vì mướp đắng có thể kích thích co thắt tử cung, dễ gây xuất huyết và làm hư thai, dẫn đến sinh non.

3. Người có đường huyết thấp không nên ăn: Mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết nhất định. Nếu người có đường huyết thấp ăn nhiều mướp đắng có thể gây hạ đường huyết, đau đầu, chóng mặt.

4. Người có bệnh về đường tiêu hoá: Ăn mướp đắng với số lượng lớn có thể gây tiêu chảy hoặc các vấn đề về đường tiêu hoá khác.

Nguồn: Baijiahao, Minfukang, Healthline

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại